Thứ năm, 28/03/2024 18:43 (GMT+7)
    Thứ tư, 18/05/2022 10:55 (GMT+7)

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền

    Theo dõi KTMT trên

    Sau 12 ngày chính thức ban hành quyết định cưỡng chế thuế hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với số tiền phải nộp đợt 1, Chi cục Thuế TP. Thủ Đức vẫn chưa cưỡng chế được đồng nào do tài khoản của hai doanh nghiệp này không có tiền.

    Ngày 17/5, Cục Thuế TP.HCM cho biết, tài khoản ngân hàng 2 công ty trúng đấu giá đất khu đô thị Thủ Thiêm không có tiền nên sau 10 ngày thực hiện quyết định cưỡng chế không thu được đồng nào.

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền - Ảnh 1
    Cơ quan thuế vẫn chưa cưỡng chế được tài khoản hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm do tài khoản của hai doanh nghiệp này không có tiền. (Ảnh: SGT)

    Một loạt biện pháp cưỡng chế khác sẽ được triển khai?

    Trước đó, vào ngày 6/5, Chi cục Thuế TP.Thủ Đức đã ra quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản 2 công ty là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega do quá hạn đóng tiền trúng lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Tháng 12/2021, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2) và phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.

    Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1 m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Đầu tháng 1.2022, cơ quan thuế ban hành thông báo đến 2 doanh nghiệp. Theo quy định, trong vòng 30 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 1 với 50% tiền sử dụng đất và trong vòng 90 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 2 (50% còn lại).

    Sau 90 ngày, hết thời hạn nộp thuế mà 2 công ty vẫn chưa thực hiện đóng tiền vào ngân sách nhà nước, cơ quan thuế thực hiện quyết định cưỡng chế tài khoản ngân hàng. Thế nhưng cả 2 tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp đều không có tiền.

    Sau khi áp dụng cưỡng chế tài khoản, cơ quan thuế sẽ triển khai các biện pháp cưỡng chế khác như khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

    Biện pháp cưỡng chế cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền - Ảnh 2
    Phiên đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. (Ảnh: T.L).

    Theo như hợp đồng đã ký với UBND TP.HCM, thời gian nộp tiền trúng đấu giá là 180 ngày. Qua 180 ngày (tức ngày 6/7), 2 doanh nghiệp chưa nộp số tiền trên thì cơ quan thuế sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng và công ty sẽ mất cọc. Tuy nhiên theo quy định về thuế, số tiền khoảng 8.000 tỷ đồng của 2 lô đất trên vẫn bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, hiện nay đã lên khoảng 70 tỷ đồng.

    Quản đầu ra, hạn chế can thiệp đầu vào

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền - Ảnh 3
    Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

    Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng: Cần thiết phải sửa luật về đấu giá quyền sử dụng đất với mục tiêu tìm ra công cụ phân bổ nguồn lực đất đai hợp lý, tăng giá trị quyền sử dụng đất.

    Nếu hoàn thiện quy định hiện hành thì phải hướng tới một khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động đấu giá, không ngăn cản các nhà đầu tư tạo ra giá cả thị trường, ngăn chặn trường hợp bị lợi dụng.

    Không cần đặt ra thêm những điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như kiểm tra năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm… và cần cân nhắc tính khả thi. Vì những quy định này sẽ là rào cản nhà đầu tư gia nhập thị trường và hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính cạnh tranh của thị trường.

    "Cá nhân tôi mong muốn nên can thiệp nhiều hơn vào giai đoạn "đầu ra", chứ không nên can thiệp giai đoạn "đầu vào" trong đấu giá quyền sử dụng đất. Mục đích là để cho người trúng đấu giá không thể bỏ cọc. Vì nếu can thiệp ngay từ đầu thì phải tốn rất nhiều chi phí hành chính và chi phí cơ hội có thể bị mất.

    Cũng cần tính đến cơ chế khác tốt hơn cơ chế đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư? Đấu giá quyền sử dụng đất chọn nhà đầu tư hiện nay quá rộng, trong khi nhiều trường hợp có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tốt hơn", ông Hiếu nói.

    Có "luật chơi" vẫn chưa đủ

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền - Ảnh 4
    TS Huỳnh Thế Du-Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam.

    Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc điều chỉnh pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất cũng cần có những tác động từ góc độ thị trường. TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất cụ thể phải đánh thuế bất động sản chưa đưa vào sử dụng để đưa thị trường về trạng thái bình thường, bảo đảm các điều kiện cơ bản, tránh méo mó…

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền - Ảnh 5
    TS. Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP. HCM)

    TS Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP. HCM) cũng cho rằng, cần có chính sách đồng bộ để bảo đảm thị trường bất động sản quay về giá trị thật của nó.

    "Cần hạ nhiệt thị trường bất động sản bằng cách khai thông các kênh đầu tư khác để thị trường bất động sản quay về với giá trị thực. Khi đó sẽ không còn những vụ đấu giá đất mà người đấu giá bất chấp như thời gian qua", TS. Đoàn Thị Phương Diệp kiến nghị.

    Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền - Ảnh 6
    PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP. HCM).

    PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đọc Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP. HCM) lại cho rằng, phải xác định mục tiêu đấu giá không phải để tăng thu ngân sách mà nhằm chọn nhà đầu tư có năng lực để xây dựng và phát triển đô thị một cách bài bản, đồng bộ, đúng quy hoạch.

    Tuy nhiên, theo ông Khánh, quy định năng lực doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhưng làm sao để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn chứ không trở thành rào cản. Bên cạnh đó, cần đồng bộ chính sách để bảo đảm thị trường bất động sản minh bạch, xây dựng thuế tài sản, tạo thêm nhiều kênh đầu tư an toàn khác để người dân không đầu tư quá nhiều vào thị trường này…

    Ông Khánh nhận định thêm thị trường bất động sản đang vô cùng khan hiếm, nên nếu đấu giá quyền sử dụng đất mà không có tầm nhìn dài hạn thì sau đó ta không còn đất mà bán nữa. Do đó, theo TS Khánh, Nhà nước cần chia nhóm đất nào bán đấu giá, đất nào giao có thời hạn để tạo nguồn thu hằng năm, nguồn thu dài hạn và nguồn để dành cho thế hệ tương lai.

    Liên quan đến việc bốn doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 10/12/2021, hiện nay hai doanh nghiệp trúng đấu giá hai lô đất có giá trị lớn nhất thì đã xin rút lui và chấp nhận mất tiền đặt cọc. Hai lô đất còn lại với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng, hai doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn chưa nộp thêm phần tiền theo quy định, ngoài phần đã đặt cọc.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tài khoản 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không có tiền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
    Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.