Sửa đổi, bổ sung và tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Luật Tài nguyên nước
Mới đây, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.
Cần thiết điều chỉnh ý kiến cộng đồng với công trình hồ chứa
Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2013. Để hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước. Sau hơn 8 năm thực hiện Nghị định số 201, ý thức trách nhiệm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân được nâng cao; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, qua thực tiễn hơn 8 năm triển khai thi hành Nghị định với rất nhiều văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho thấy một số quy định của Nghị định số 201 đã có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hoặc có những vướng mắc và đề nghị tháo gỡ.
Đáng chú ý, Nghị định số 201 đã quy định các trường hợp phải tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên thực tế triển khai nhiều địa phương, doanh nghiệp không xác định rõ thuộc trường hợp nào, do đó thực hiện chưa thống nhất.
Cụ thể, theo quy định, các trường hợp phải lấy ý kiến là công trình khai thác sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 10 m3/s thì thực tế triển khai đã có nhiều công trình là hồ chứa, thủy điện cũng áp dụng theo quy định trên. Trong khi theo quy định phải áp dụng quy định về hồ, đập có dung tích từ 500 triệu m3 trở lên.
Ngoài ra, qua thực tế triển khai thi hành cho thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng cần phải áp dụng cho tất cả các công trình hồ đập thuộc quy mô phải cấp phép vì hầu hết các công trình hồ, đập xây dựng trên sông suối đều gây ra tác động và ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước thượng và hạ du, thậm chí có nhiều trường hợp công trình hồ đập có quy mô nhỏ (dung tích nhỏ hơn 500 triệu m3) nhưng gây ra những hệ lụy lớn hơn các hồ chứa có quy mô lớn hơn.
Trên thực tế, do tăng trưởng của nền kinh tế, tốc độ đô thị hóa cùng với dân số tăng nhanh với khoảng 96 triệu người đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đồng thời cũng tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Việc đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, nhất là vùng trung và hạ lưu nơi tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp, các làng nghề, tình trạng nhiều con sông, suối bị chết, nguồn nước dự trữ ở ao hồ, kênh rạch bị ô nhiễm nặng nề, nguồn nước ngầm bị sử dụng bừa bãi, thiếu quản lý... trở thành thách thức lớn với vấn đề an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy dẫn tới động đất ở một số vùng cùng với 1.730 hồ, đập thủy lợi bị xuống cấp, trong đó có 1.200 hồ, đập cần sửa chữa và 200 hồ hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp thì vấn đề an toàn hồ đập trở nên vô cùng cấp bách, cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước, an toàn cho sản xuất và đời sống.
Chính vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh trường hợp lấy ý kiến cộng đồng đối với công trình hồ chứa, đập dâng (có bụng hồ).
Rà soát, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Châu Trần Vĩnh, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.
Ngày 6/1/2022, Bộ TN&MT đã có Công văn gửi 6 Bộ và 63 địa phương về việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP. Đến ngày 3/4/2022, đã có 47/63 địa phương, 5/6 Bộ gửi Báo cáo tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 201/2013/NĐ-CP.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ và địa phương và trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực thi Nghị định, Bộ TN&MT nhận thấy một số vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thi hành Nghị định 201/2013/NĐ-CP như sau: Cần phải đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, trong đó có nội dung các biểu mẫu, báo cáo tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước để bảo đảm phù hợp với hiện trạng khai thác, sử dụng nước của các đối tượng, nhất là các công trình thủy lợi.
Ngoài ra, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc cấp phép khai thác nước mặt tại công trình hồ chứa, đập dâng, các công trình khai thác, sử dụng nước khác từ các hồ chứa, kênh dẫn… của hệ thống công trình thủy lợi đã được xây dựng từ lâu nên bị xuống cấp; không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa; hồ sơ, tài liệu bị thất lạc; quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan; bổ sung cụ thể các trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất phải đăng ký; quy định cụ thể các trường hợp thay đổi, điều chỉnh quy mô công trình cho phù hợp với thẩm quyền cấp phép của Bộ và địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện thực hiện cấp phép theo chủ trương của Chính phủ...
Từ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đa số các địa phương, các Bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 201/2013/NĐ-CP.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang triển khai thực hiện, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012.
Vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định, thời gian tới, Thứ trưởng Thành yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên rà soát một số nội dung được kiến nghị xem xét bổ sung theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo tại cuộc họp này để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, đồng thời, đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT theo quy định.
Lan Anh