Sử dụng năng lượng tiết kiệm - Trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng
Năng lượng có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng trong chính sách phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia.
Tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ điện
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính Trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Tiết kiệm năng lượng có những lợi ích rất to lớn như bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia; Bảo vệ môi trường, giảm rác thải, hiệu ứng nhà kính; Giúp cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển bền vững.
Hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đang có dư địa lớn trong rất nhiều ngành và lĩnh vực. Điều này đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu Quốc gia trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ năng lượng, giảm khí thải, hiệu ứng nhà kính như cam kết của Chính phủ tại thỏa thuận Paris 2015 và gần đây nhất là hội nghị COP26 năm 2021.
Trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trước tới nay, Bộ Công Thương được giao là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, có rất nhiều các hoạt động đã được diễn ra một cách tương đối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Thông qua những chương trình tuyên truyền được tổ chức khá đồng bộ, bài bản đã giúp người dân nâng cao, nhận thức đáng kể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiểu được lợi ích của Chương trình mang lại cũng như là giải pháp để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã trở thành quốc sách, được luật hóa và thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019- 2030 (VNEEP 3) với mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ, tương đương từ 60-80 triệu tấn TOE, càng cho thấy quyết tâm của hệ thống chính trị về vấn đề này.
“Đây là mục tiêu lớn, tuy nhiên có thể hiện thực hóa khi có sự nỗ lực, phối hợp thực hiện của tất cả các thành phần kinh tế. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp đã được xác định còn nhiều dư địa cho tiết kiệm năng lượng, với tiềm năng lên tới 20-30%” - ông Vũ thông tin.
Nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp, sản xuất và cả tiêu dùng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều thông tư quy định các định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm như: Thép, chế biến thủy - hải sản, giấy, nhựa, đường mía… Đến nay, có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tương đối đầy đủ, đồng bộ để thúc đẩy, khuyến khích các ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Nhờ chú trọng truyền thông, ý thức của đại bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được nâng lên đáng kể.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo TS Phương Hoàng Kim – Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), để tổ chức thực hiện được mục tiêu tiết kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, sự vào cuộc của Chính quyền các cấp ở địa phương (UBND các cấp) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định.
Tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền; bố trí kinh phí thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tổ chức, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; Chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý.
Để đạt được mục tiêu này, TS Phương Hoàng Kim cho rằng cần thực hiện song song nhiều giải pháp. Cụ thể, giải pháp về cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể với nhiều hình thức khác nhau như người lao động, cộng đồng dân cư, khách du lịch, học sinh – sinh viên… và với sự vào cuộc của nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn tới Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp, chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ đã đăng ký với Quốc hội về việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu, chế tài, giải pháp sử dụng năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.
Về cơ chế thúc đẩy, Bộ cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp, dự án tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu hình thành một quỹ thí điểm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3). “Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp được chọn để xây dựng cơ chế và thí điểm thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng” – ông Vũ nhấn mạnh.
Lan Anh