Sớm hoàn thiện quy hoạch chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước
Góp ý về nội dung Quy hoạch tổng thể Quốc gia, nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước.
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, mới đây, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, cho ý kiến về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước.
Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) khẳng định, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai bởi các lý do như sau: Mặc dù có 3450 con sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng nước trung bình hàng năm hiện nay khoảng 840 tỷ m3 nhưng khoảng 60% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu lượng sông nằm ngoài lãnh thổ nên chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng của cả nước có sự mở rộng liên tục về diện tích sông, chất lượng rừng suy giảm, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng 42,01% nhưng diện tích rừng đầu nguồn có khả năng sinh thủy thấp, chỉ có gần 0,77 triệu hecta là rừng giàu tương đương 5,2% tổng diện tích rừng cả nước, diện tích rừng gỗ trung bình là 2,165 triệu hecta tương đương 21,1%, còn lại là các hệ sinh thái rừng nghèo, nghèo kiệt.
Theo đại biểu, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan đã tạo ra những biến đổi khó lường. Tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh Nam Trung Bộ, nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh Tây Nam Bộ tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Mặc dù thiếu nước, song hiệu quả sử dụng nước còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Việc ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước còn hạn chế, trong sản xuất nông nghiệp tình trạng thiếu nước xảy ra thường đi cùng với mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực và mâu thuẫn này có xu hướng gia tăng.
Đồng thời, quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, dân số tăng nhanh làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, nhất là tại đô thị, khu công nghiệp, khu vực hạ nguồn của lưu vực nhiều con sông. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn đập hồ chứa nước cũng là một nhiệm vụ cấp bách do sự phát triển của hệ thống thủy lợi, thủy điện của Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, nhiều công trình thủy lợi, trong đó có nhiều hồ chứa bị xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến an ninh nguồn nước, an toàn cho sản xuất, tính mạng và tài sản của Nhân dân cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tài nguyên nước còn nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn, tính liên kết, liên thông mang tính vùng, khu vực còn nhiều hạn chế. Công tác tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng phá vỡ quy hoạch, không bảo vệ được quy hoạch. Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ lưu vực sông, nguồn nước, dòng chảy, công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều vẫn diễn ra.
Tại phiên họp, đại biểu Khang Thị Mào, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng và một số đại biểu cơ bản tán thành với các quan điểm về tổ chức không gian phát triển, trong đó có đặt ra yêu cầu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước đó, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trong bối cảnh nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, trong khi nguồn nước là hữu hạn, khả năng phát triển tài nguyên nước còn hạn chế, yêu cầu quản lý bền vững, hiệu quả tài nguyên nước là rất cần thiết để có thể đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định trong năm 2022, tuy nhiên thời gian trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực tài nguyên nước.
Bước sang năm 2023, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, “chung sức, chung lòng” cùng nhau tập trung hoàn thành dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội; song song với đó, cần chủ động xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 – Một số chính sách nổi bật”, TS Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho rằng, tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước…
Một trong những trọng tâm trong bảo vệ môi trường năm 2022 -2023 của Chính phủ là sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam.
Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế và vướng mắc đang tồn tại của Luật Tài nguyên nước 2012 và tích hợp một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý và bảo vệ nguồn nước. Những điểm mới trong việc xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi bao gồm đảm bảo an ninh nguồn nước, coi tài nguyên nước là tài sản công và quản trị trên nền tảng công nghệ số, coi sản phẩm nước là hàng hóa và cần phát triển kinh tế nước, góp phần vào việc quản lý tài nguyên nước một cách thống nhất, toàn diện và phù hợp với thực tiễn.
Lan Anh