Thứ bảy, 23/11/2024 01:49 (GMT+7)
Thứ ba, 12/04/2022 18:00 (GMT+7)

Sớm ban hành nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để ‘trợ sức' cho doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022.

Giúp doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất

Theo các chuyên gia, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022. Các giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Đồng thời, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất còn có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi trong một thời gian, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ quay trở lại có đóng góp cho ngân sách.

Được biết, chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS.TSKH. Nguyễn Mại, cũng đánh giá rất cao giải pháp gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất sắp được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, ông lo ngại chính sách mới sẽ thêm thủ tục mới và phức tạp hơn thủ tục cũ, khiến hiệu quả chính sách bị hạn chế, do nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách, không muốn nhận sự hỗ trợ vì nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức.

Sớm ban hành nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để ‘trợ sức' cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022. 

“Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Ngành giao thông đã quằn quại sau hơn 2 năm đại dịch, vừa bắt đầu hoạt động trở lại thì bị giá xăng dầu ‘giáng cho đòn chí tử’. Nếu giao thông bị tắc nghẽn, thì mọi nỗ lực, cố gắng, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ trị giá 350.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng không còn nhiều tác dụng”, GS.TSKH. Nguyễn Mại lo lắng.

Dự kiến ban hành trong tháng 4

Phát biểu tại diễn đàn đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, Bộ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ. Dự kiến năm 2022, giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64.000 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022, sẽ gia hạn 6 tháng cho số thuế từ tháng 3 đến tháng 5 và quý I; gia hạn 5 tháng đối với số thuế của tháng 6 và quý II; gia hạn 4 tháng đối với số thuế của tháng 7 và gia hạn 3 tháng đối với số thuế của tháng 8. Nếu Chính phủ đồng ý với phương án giảm thuế này, thì tổng số thuế GTGT được gia hạn ước khoảng 53.300-54.300 tỷ đồng.

Cũng như năm 2021, năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến gia hạn cả thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, đồng thời gia hạn 6 tháng tiền thuê đất, thuê mặt nước. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 6 đến tháng 9/2022.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Phớc, doanh nghiệp cần nhất là thị trường, vốn, lao động, cơ sở hạ tầng và cởi mở thủ tục hành chính. Với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác, Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trong những vấn đề vừa nêu.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tại diễn đàn thông tin, cơ quan này đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Dự kiến 2 nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 4. Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị suy giảm do vừa chịu sức ép từ sản xuất, kinh doanh suy giảm, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ, trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối ngân sách nhà nước năm 2022.

Là quốc gia có hoạt động khai thác dầu thô, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ nhờ bán dầu thô khi xăng dầu trên thị trường tăng mạnh. Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, nếu lấy phần tăng thu từ dầu thô để bù giá xăng dầu, thì cân đối ngân sách nhà nước không bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí còn tăng thu. Bởi cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, các gói tài khóa, tiền tệ, thì việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, nâng sức cạnh tranh, đầu tư, mở rộng hoạt động, sẽ đóng góp vào ngân sách.

Cùng quan điểm, TS. Phan Phương Nam cho rằng, việc gia hạn tiền thuế là hết sức cần thiết trong giai đoạn này. Bởi lẽ, hậu Covid-19, nền kinh tế đang gượng dậy và rất cần nguồn tài chính cho quá trình khôi phục. Cho nên, việc Nhà nước gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đã và đang giúp cho doanh nghiệp tạm thời sử dụng nguồn tài chính này (thay vì nộp ngay cho Nhà nước) để thực hiện quá trình tái cấu trúc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mua thêm nguyên vật liệu là một việc làm rất hữu ích và thiết thực cho người nộp thuế nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Sớm ban hành nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để ‘trợ sức' cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới