Sóc Trăng sẽ là điểm đến của con đường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất ĐBSCL
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm cho biết tỉnh Sóc Trăng có một vị trí rất đặc biệt. Sau khi một số công trình hạ tầng hoàn thiện, Sóc Trăng sẽ là điểm đến của con đường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất ĐBSCL.
Ngày 15/4, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị tổng kết thường niên năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Đến dự có bà Hồ Cẩm Đào, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện một số Sở, ngành tỉnh. Công ty TNHH Trần Liên Hưng là đơn vị đồng hành cùng hội nghị.
Doanh nghiệp vượt khó
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sóc Trăng là địa phương dù ảnh hưởng không ít của dịch Covid -19, từ cuối năm 2020 chuyển sang năm 2021 nhưng nhờ phát huy thế mạnh và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp lớn. Trong đó doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thủy sản và DNXK lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng là nhóm doanh nghiệp chủ lực của tỉnh luôn đứng trong tóp 10 doanh nghiệp thủy sản hàng đầu Việt Nam, đứng thứ hai về xuất khẩu lúa gạo.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào và đầu ra ổn định, giải quyết việc làm ổn định, nhưng chi phí logistic gia tăng, doanh nghiệp giảm lợi nhuận, sức mua trên thị trường ổn định, lĩnh vực nông nghiệp được mùa, được giá là một trong những nền tảng quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng chủ yếu là du lịch, vận tải, dich vụ khách sạn, nhà hàng... Ngành Công thương ổn định giá cả thị trường, công tác xúc tiến thương mại bị ảnh hưởng chung của cả nước do khách quan và công tác khuyến công cũng có nhiều nỗ lực, vẫn phát triển được nhiều dự án điện gió... Nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid -19, trước đây bị ảnh hưởng nhưng đã vượt qua phục hồi hoạt động trở lại, ngành thuế tiếp tục giãn nộp thuế cho một số lĩnh vực, doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng phục vụ vốn khá tốt cho doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng tốt hơn các tỉnh trong vùng, thu ngân sách vượt kế hoạch.Đời sống nhân dân được cải thiện như: xây và sửa chữa nhà cửa khang trang hơn cả thành thị và nông thôn.
Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh giảm sâu nhất trong hơn 20 năm qua. Dự kiến GRDP đạt 3,5-4% nếu kiểm soát tốt dịch, nhưng từ 1/10/2021đến cuối năm dịch bùng phát trở lại nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến cuối năm 2021 chỉ trừ một số lĩnh vực còn khá tốt như xuất khẩu thủy sản và lúa gạo, dịch vụ ... nên tăng trưởng GRDP đạt 1,18%. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đóng góp vào thực hiện kế hoạch cả năm của tỉnh.
Sau khi các Chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và ác Bộ ngành cũng như các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp rất nỗ lực để duy trì hoạt động. Đây là một tín hiệu rất phấn khởi của tỉnh Sóc Trăng. Người lao động và doanh nghiệp đã được quan tâm và từng bước hấp thu các chính sách hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phát triển khá tốt và ổn định khoảng 50-60%việc làm cho người lao động nhờ các công ty chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đầu ra vẫn có nhu cầu cao.
“Cơ hội chưa từng có trong lịch sử”
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, cuộc hội ngộ ngày hôm nay có 2 điều rất đặc biệt, mang lại nhiều cảm xúc mà ông mong muốn được chia sẻ.
Thứ nhất, sau một thời gian rất dài chúng ta phải chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19, một đại dịch toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, cướp đi sinh mạng của nhiều người, ảnh hưởng đến cả cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Cho đến thời điểm này, nhờ chiến lược vaccine đúng đắn, thần tốc của Chính phủ (trong đó tỉnh Sóc Trăng ta cũng đã thực hiện chiến lược chích ngừa Covid-19 rất ấn tượng), cuộc sống đã trở lại gần như bình thường so với trước thời điểm có dịch.
“Phải cùng nhau chống lại dịch bệnh khiến chúng ta thấy cuộc sống đáng trân quý hơn, sự giúp đỡ và chia sẻ với nhau nghĩa tình hơn, khiến con người với con người gần gũi, thân ái với nhau hơn. Chính lẽ đó, chúng ta đi qua đại dịch, còn có cơ hội ngồi lại với nhau ngày hôm nay là điều đáng quý”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói.
Thứ hai, cuộc gặp gỡ này diễn ra trước thời điểm hết sức đặc biệt trong quá trình phát triển của quê hương Sóc Trăng. Thời điểm này, người dân và các cấp chính quyền chuẩn bị kỷ niệm kỷ niệm 30 tái lập tỉnh, chào mừng Thành phố Sóc Trăng được công nhận thành phố đô thị loại II. Ngày 28/4 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ và nhiều quan chức cấp bộ, ngành.
Vị này nói thêm, sau 30 năm tách tỉnh, chúng ta đã kiên trì vượt qua khó khăn, từng bước phát triển, và giờ đây đang đứng trước cơ hội chưa từng có trong lịch sử. Kế tiếp Nghị quyết số 120 của Chính phủ nhiệm kỳ trước về xây dựng, phát triển khu vực ĐBSCL, Chính phủ đương nhiệm đang hết sức chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và các điều kiện khác để ĐBSCL phát triển.
Trong quá trình hiện thực hóa nghị quyết và chủ trương lớn này, tỉnh Sóc Trăng có một vị trí rất đặc biệt. Tới đây, sau khi tuyến cao tốc Châu Đốc – Trần Đề được Chính phủ quyết định đầu tư, cùng với cầu Đại Ngãi, tuyến đường ven biển được xây dựng, hòa vào mạng lưới giao thông của khu vực và tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng cảng nước sâu Trần Đề. Thì khi đó, Sóc Trăng sẽ trở thành điểm đến của con đường hàng hóa xuất khẩu lớn nhất ĐBSCL.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm chia sẻ: “Những nền móng đang được xây dựng sẽ đưa quê hương Sóc Trăng chúng ta đến tươi lai tươi sáng hơn. Trong cuộc hội ngộ này, chúng tôi lấy chủ đề “xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững 2022 – 2030” như mong ước, khát vọng thôi thúc chúng ta bước sang một hành trình mới đầy hứa hẹn”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp nhấn mạnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết khó khăn của người dân và doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng, trả lời nhanh những thắc mắc, giải thích kịp thời những chủ trương, chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời tổ chức các buổi họp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngành, các cấp có liên quan tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, các doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất đẩy mạnh hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư và thủ tục thuế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hãy nắm bắt cơ hội và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước với cộng đồng quốc tế, vượt qua đại dịch, đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 3.850 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hoạt động khoảng 50.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GRDP của tỉnh và đóng góp trên 80% thu ngân sách. Đáng chú ý, Sóc Trăng là địa phương có nhóm doanh nghiệp chủ lực top 10 của cả nước về xuất khẩu thuỷ sản và lúa gạo.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế dương (đạt 1,18%); giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 27.560 tỷ đồng (tăng hơn 12%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,28 tỷ USD (tăng 16%)… Trong quý I, năm 2022, tỉnh Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 3,15%.
Văn Chương