Sóc Trăng: Nhiều ngành, lĩnh vực khởi sắc trong năm 2023
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (GRDP) năm 2023 ước tính tăng 5,38% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, dịch vụ du lịch tại tỉnh này cũng có những tín hiệu đáng mừng.
Dịch vụ, du lịch khởi sắc
Cụ thể, theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 của tỉnh Sóc Trăng (Dự thảo), GRDP ước năm 2023 là 40.591.000 triệu đồng, tăng 5,38% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,66%; khu vực dịch vụ tăng 8,78%, thuế từ trợ cấp sản phẩm tăng 4,83%.
“Theo giá hiện hành, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước năm 2023 là gần 73.000.000 triệu đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 41,81%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 15,1%; khu vực dịch vụ chiếm 39,95% và thuế từ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,14%”, dự thảo báo cáo cho biết.
Về nông nghiệp, nông thôn, toàn tỉnh xuống giống được hơn 330.000 ha lúa, vượt 4,22% kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích này vẫn giảm 0,72% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết không thuận lợi và chi phí đầu tư tăng cao. Toàn tỉnh đã thu hoạch được 99,77% diện tích xuống giống. Tình hình tiêu thụ lúa của bà con tương đối thuận lợi, giá lúa tăng cao.
Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngay từ những tháng đầu năm 2023. Nhất là thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn dẫn đến việc xuất khẩu trong những tháng đầu năm tại Sóc Trăng gặp nhiều thử thách. Những tháng cuối năm, tuy có tăng trưởng nhưng ở mức không cao nên kim ngạch xuất khẩu đạt kế hoạch nhưng giảm so với năm 2022. Giá trị hàng xuất khẩu đạt 1.500 tỉ USD, đạt chỉ tiêu nghị quyết.
Điểm nhấn đáng tích cực là các doạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh năm 2023 được đánh giá là khá sôi động so với năm 2022. Các nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí đã giúp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 tăng mạnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 ước đạt 87.900 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 23,75% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 56.000 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 14,75%.
Đặc biệt, ngành dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc. Doanh thu đến từ ngành này tiếp tục giữ vững, đạt kế hoạch đề ra. Trong năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 4,43%.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với 112 lượt nhà đầu tư đến tìm cơ hội đầu tư. UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 2.100 tỷ đồng. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt vai trò, kịp thời gỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Để tăng cường thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức 5 lần họp mặt, đối thoại, gặp gỡ trực tiếp và 5 lần gặp gỡ định kỳ để nắm tình hình hoạt động, lắng nghe trao đổi của cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh đã tiếp nhận 38 lượt ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và sau các cuộc gặp gỡ 100% các ý kiến doanh nghiệp đều được UBND tỉnh ban hành chỉ đạo các đơn vị có liên quan xem xét xử lý.
Bên cạnh đó, UBND tình cũng ứng dụng công nghệ 4.0 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp như hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục đăng ký đầu tư trực tuyến, từ xa bằng ứng dụng Zalo, điện thoại di động…
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm. Cụ thể, năm 2022, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 42,85, thuộc nhóm trung bình cao, tăng 2,81 điểm so với năm 2021. Ở chỉ số này, Sóc Trăng đứng thứ 24/61 tỉnh trên toàn quốc (tăng 27 bậc) và xếp thứ 3/13 các tỉnh ĐBSCL (tăng 6 bậc). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đạt 65,17 điểm, tăng 3,36 điểm so với năm 2021, xếp hạng 34/63 tỉnh thành (tăng 20 bậc) và xếp 7/13 các tỉnh ĐBSCL.
“Tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2023 đạt khá. Trong đó, có 9 chỉ tiêu vượt Nghị quyết, 6 chỉ tiêu đạt 100% Nghị quyết, 5 chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết”, Báo cáo nhấn mạnh.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của UBND tỉnh Sóc Trăng trong năm 2022. Điều này đã thể hiện qua những con số mà tỉnh Sóc Trăng đã đạt được. Mặc dù năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, rất nhiều chỉ số tỉnh Sóc Trăng đã đạt và vượt nghị quyết. Đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch có những tín hiệu khởi sắc. Đây là điều đáng mừng”.
Theo TS.Trần Khắc Tâm, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông rất cảm động khi UBND tỉnh Sóc Trăng và đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu luôn chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở 5 lần gặp mặt đối thoại trực tiếp và 5 lần gặp, trao đổi định kỳ giữa UBND tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sau mỗi buổi đối thoại, tiếp xúc, tất cả các kiến nghị đều được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở ngành xem xét xử lý. Việc tháo gỡ khó khăn kịp thời là động lực để các doanh nghiệp phục hồi và vượt qua khó khăn.
“Chính sự thân thiện, quan tâm của UBND tỉnh và các cấp chính quyền đã giúp các chỉ số PAPI, PCI của tỉnh Sóc Trăng có những bước tiến đáng kể trên bảng xếp hạng. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực đó, năm 2023, các chỉ số trên của tỉnh sẽ tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực”, TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Văn Chương