Chủ nhật, 28/04/2024 12:36 (GMT+7)
Thứ ba, 10/10/2023 10:38 (GMT+7)

Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng là trở thành tỉnh khá vào năm 2030, là một cửa ngõ chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Đông.

Sáng 9/10, tại thành phố Sóc Trăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Tham gia cùng đoàn công tác có đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai

Báo cáo tại buổi làm việc, theo báo Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị 9 tháng năm 2023 tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực. Thể hiện qua 10 điểm nổi bật, như: sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện; thương mại dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; thu ngân sách đạt khá so dự toán; giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ; các lĩnh văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực; trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng Chính phủ giao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.

Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ, các công trình, dự án trọng điểm; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL - Ảnh 2
Đồng chí Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình là Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; đường Vành đai I, Vành đai II...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,76%/năm. Kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2021, sớm đạt chỉ tiêu nghị quyết đến cuối nhiệm kỳ. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đẩy mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thêm 1.305 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong số 23 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, có 20 chỉ tiêu đến nay đạt khá, dự báo đến cuối nhiệm kỳ khả năng sẽ đạt và vượt. Tuy nhiên, còn lại 3 chỉ tiêu khó đạt là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2%/năm (nghị quyết đề ra 8%/năm); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,24% (nghị quyết đề ra 21%/năm); tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 38,4% (nghị quyết đề ra 45%).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư Dự án Cảng Trần Đề (cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long); hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng; có cơ chế đặc biệt khai thác cát biển; cho chủ trương triển khai trước việc lập đề án thành lập khu kinh tế ven biển Trần Đề.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng của tỉnh ước đạt 5,14% (cùng kỳ năm 2022 là 6,63%). Tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong 3 năm (2021 - 2023) là 5,76%/năm, đạt 72% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Ước GRDP bình quân đầu người là 60,3 triệu đồng/người/năm 2023, tăng 1,3 lần so với năm 2020. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 33,9%, tăng khoảng 0,5% có với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước…

Cửa ngõ chính của khu vực ĐBSCL

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Sóc Trăng nhân dịp công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bày tỏ ấn tượng trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh. Sau 31 năm tái lập (tháng 4/1992 - 4/2023), từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, hiện Sóc Trăng đã có những bước phát triển quan trọng, tiềm lực kinh tế, xã hội được tăng cường, có một diện mạo mới, năng động hơn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Cụ thể là hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi; khởi công Dự án thành phần 4, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Chưa dừng lại ở đó, Sóc Trăng đã tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh, là một trong 13 tỉnh, thành phố của cả nước và 2/13 tỉnh, thành phố của vùng ĐBSCL đã được phê duyệt xong Quy hoạch tỉnh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn và xác định được không gian, nguồn lực phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng là trở thành tỉnh khá vào năm 2030, là một cửa ngõ chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Đông thông qua hệ thống hạ tầng giao thông kết nối và cảng Trần Đề, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics, các dự án năng lượng. Theo đó, đồng bằng sông Cửu Long phải có một cảng nước sâu, cơ sở chính trị và pháp lý đã có, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến yêu cầu phải thống nhất nhận thức để triển khai thực hiện, cùng với đầu tư cơ bản của Nhà nước, tỉnh kêu gọi đầu tư để xây dựng cảng nước sâu Trần Đề gắn với khu kinh tế biển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có ý kiến trao đổi về cá kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho địa phương. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. 

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 9/10, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn... cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Theo Quyết định 995/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phấn đấu đến  2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng.

Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%.

Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm.

Tỉnh Sóc Trăng tổ chức 4 vùng kinh tế - xã hội là vùng ven biển, vùng ven sông Hậu, vùng nội địa, vùng Cù Lao Dung.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới