Số doanh nghiệp gia nhập thị trường lập đỉnh trong tháng 6
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6 ghi nhận 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Hơn 13,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6 ghi nhận 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, có 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Tính chung nửa đầu năm có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận những tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp).
Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong tháng 6 vừa qua, cả nước cũng đã có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 0,5%; 5.749 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,7%; 1.482 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 12,2%.
Dù vậy, các dữ liệu chỉ ra doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về vốn kinh doanh. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022).
Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu cũng cho thấy kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%).
Trong khi đó, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).
Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%).
Chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế trong quý II
Giới chuyên gia thuộc Công ty Maybank Research Pte Ltd dự báo, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam có thể ở mức 5%, cao hơn so với mức 3,3% cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên duy trì mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 4,0%.
Tăng trưởng của Việt Nam được dẫn dắt bởi lĩnh vực dịch vụ (chiếm 43,1% GDP). Lĩnh vực này được dự báo có thể đạt tăng trưởng 7% trong quý II/2023, vì các phân khúc hướng tới người tiêu dùng như bán lẻ, lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí và vận tải hành khách được hỗ trợ nhờ sự phục hồi du lịch.
Lượng khách du lịch đang trên đà vượt mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra cho năm 2023 là 8 triệu khách, bởi con số 5 tháng đầu năm đã đạt 4,6 triệu.
Ngành công nghiệp và xây dựng (đóng góp 36,7% GDP) dự kiến đạt mức tăng trưởng 2% so với cách đây một năm.
Ngành sản xuất dự kiến sẽ vẫn yếu do nhu cầu bên ngoài yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm bình quân -0,1% trong các tháng 4-5, so với mức -2,5% trong quý 1/2023.
Tuy nhiên, tăng trưởng lĩnh vực xây dựng có thể sẽ vững chắc hơn nhờ tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản pháp lý/quy định và cho phép nối lại các dự án bất động sản. Đầu tư công tăng +18,4% tính theo năm trong 5 tháng đầu năm, dẫn đầu là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.
Giới chuyên gia tại Maybank Research giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 4% và 6% cho năm 2024, đồng thời cho rằng sự sụt giảm xuất khẩu sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2023 do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhưng sẽ có sự cải thiện nhẹ trong quý cuối năm. Tiêu dùng trong nước có thể giảm trong những tháng tới trong bối cảnh thị trường lao động yếu.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các nhà phát triển bất động sản, sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính với lượng lớn trái phiếu đáo hạn, nhu cầu thị trường vốn giảm và nhu cầu mua nhà yếu.
Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ sẽ giúp giảm bớt áp lực tái cấp vốn và giảm rủi ro "hạ cánh cứng" nhưng khó có thể loại bỏ hoàn toàn căng thẳng tài chính.
Anh Thư