Lai Châu khát vọng vươn lên từ… núi
Lai Châu, địa danh có nhiều dãy núi cao hoang sơ và kì vĩ. Ở đó… mây trắng bồng bềnh vắt ngang cổ núi, đỉnh Pu Ta Leng đẹp tựa như phim hollywood.
Du lịch Lai Châu mùa nào cũng đẹp… Song, đồng bào Lai Châu lại chưa thể khai thác hết tiềm năng của núi: Nghĩa là đồng bào vẫn chưa làm giàu được từ núi. Họ vẫn mơ có ngày những ngôi nhà vững trãi bề thế cất lên nhờ núi, sống trên núi và giàu có lên từ núi. Ấy là khát vọng của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu.
Du lịch Lai Châu chờ thời cơ cất cánh
Mùa hoa đỗ quyên nở trên các đỉnh núi của Lai Châu bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4. Nếu ai lên Lai Châu đặt trên lên các đỉnh núi cao vọi Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Phàn Liên San, Pờ Ma Lung giữa những bạt ngàn xanh thẫm rực lên những đóa đỗ quyên đỏ, vàng tạo nên một khung cảnh nguy nga, tráng lệ và kì vĩ. Những thân cây đại thụ cành khẳng khiu vươn như cánh tay vượn, đứng cạnh nhau san sát tạo giăng thành giăng lũy hỗn tạp nhưng lại vô cùng đẹp mắt. Nhất là buổi sớm trên đỉnh Pu Ta Leng, cánh đồng mây trắng bồng bềnh mỹ diệu.
Đứng trên đỉnh núi, cảnh vật thu gọn vào trong tầm mắt, có thể nhìn thấy được cả đỉnh Phan xi pang, Bạch Mộc Lương Tử, núi mẹ bồng con… Đó là những gì mà Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao du lịch tỉnh Lai Châu, Trần Quang Kháng, chia sẻ với chúng tôi về tiềm năng, lợi thế du lịch của Lai Châu. Đó chưa phải là tất cả, nhưng những đỉnh núi cao hoang sơ, kì vĩ ấy đang là thế mạnh của ngành du lịch khám phá, mạo hiểm của Lai Châu.
Ngoài những đỉnh núi cao du lịch Lai Châu còn có những bản du lịch cộng đồng được đánh giá điểm đến hấp dẫn nhất của ASEAN. Đó là điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ vừa được công nhận tháng 4/2023, điểm du lịch của cộng đồng người Mông. Ở Sin Suối Hồ, ngoài những giá trị ưu đãi của thiên nhiên thì còn có sự gắn kết của cộng đồng, ý thức, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng người Mông trong bản. Định hướng phát triển và sự quan tâm của ngành du lịch tỉnh Lai Châu cũng như của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. - Phó Giám đốc Kháng chia sẻ.
Tôi có dịp lên bản Sin Suối Hồ, cảm nhận rằng ở đó con người sống thật chan hòa với tự nhiên. Rất tôn trọng tự nhiên, từ con đường vào làng bản cho đến các khu vui chơi giải trí chợ phiên, các điểm check in… đường lên rừng, ra suối, thăm ruộng bậc thang đều còn nguyên sơ, không bê tông hóa, không phá vỡ phối cảnh tự nhiên. Nhà liền nhà, sân liền sân, liền vườn đều không có từng ngăn, vách chắn… con người cũng thật thân thiện.
Những điểm du lịch cộng đồng bản Vàng Pheo, (xã Mường So, huyện Phong Thổ) bãi đá cổ Pa Vi, (xã Sin Suối Hồ), bản Tô Y Phìn (xã Lản Nhì Thàng, suối khoáng nóng Vàng Pò (huyện Phong Thổ) tất thảy đều là những địa điểm check in thú vị. Song có lẽ, điều thú vị riêng có ở Lai Châu con người rất thân thiện và luôn có khát vọng làm giàu mạnh mẽ. Dẫu là cán bộ, công chức hay người bán buôn ngoài chợ cho đến đồng bào dân tộc thiểu số, những người dân sống trên mảnh đất xa sôi diệu vợi ấy, họ có chung một khát vọng, làm giàu cho mảnh đất Lai Châu.
“Nhất là thời điểm tháng 3/2023, Báo Tiền Phong phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức giải chạy marathon, có khoảng gần 4.000 vận động viên tham gia. Đây cũng là lần đầu tiên Lai Châu đón số lượng người đến với tỉnh cùng một lúc lớn như vậy. Trong khi đó, chuỗi nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng chỉ đủ phục vụ cho khoảng hơn 2.000 người. Lúc ấy, chính quyền các cấp đã huy động sự tham gia ủng hộ của các hộ dân. Họ thật sự vui mừng và lấy làm vinh hạnh, họ nô nức chuẩn bị như thể nhà mình đang có việc đại sự. Họ cho vận động viên ăn nghỉ miễn phí, bố trí xe cộ phương tiện hỗ trợ vận động viên từ xe máy, ô tô, xe đạp… Đây là điều rất trân quý của Nhân dân các dân tộc của Lai Châu.” - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Vương Thế Mẫn chia sẻ.
Hướng đi cho du lịch cộng đồng
Theo chân Sùng A Nhè, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện đến điểm du lịch cộng đồng bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ đúng lúc mặt trời con sào. Trưởng bản Teo Văn Duyên dẫn chúng tôi đến thăm đền thờ Nàng Han, một nữ tướng trong truyền thuyết của người Thái (ngành Thái trắng Mường So, Phong Thổ).
Tương truyền rằng nàng Han tên người con gái Thái nghèo, thuở ấy giặc phương Bắc tràn sang cướp bản mường. Tướng lĩnh giỏi đều bại dưới tay kẻ thù. Chúa đất triệu tập thanh niên trai tráng, tuyển người tài đưa quân đi dẹp giặc. Nàng Han đã cải nam tham dự và Chúa đất chọn. Hàng ngày, nàng huy động toàn bộ tướng sỹ ngày đêm luyện võ, tích trữ lương thảo, bày binh bố trận… Với tài chỉ huy cùng sức mạnh phi thường nàng đã tuốt kiếm thúc ngựa tả xung hữu đột, cùng tướng sĩ, Nhân dân đánh tan quân giặc.
Đúng chiều 30 Tết, quân xâm lược đã bị bao vây đánh bại. Nàng cùng tướng sĩ trở về khi đến mó nước Nậm Lùn (nay thuộc thôn Tây An, xã Mường So). Nàng tắm gội xong, xiêm y lộng lẫy cả người và ngựa bay về trời. Hàng năm Nhân dân dân trong vùng tổ chức Lễ hội Nàng Han vào ngày 15/2 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao to lớn của nàng và cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, bội thu. Nàng là người anh hùng của bản. - Trưởng bản Duyên kể.
Kết thúc câu chuyện về nàng Han, tôi trở về thực tại. Mặt trời đứng bóng, trưởng bản Teo Văn Duyên đưa tôi đi một vòng quanh bản. Theo như lời của trưởng bản Duyên thì con suối trước mặt bản tới đây sẽ được đưa vào khai thác du lịch làm bãi tắm, có đường dạo quanh suối. Và từ bản Vàng Pheo lên còn kết nối với nhiều điểm du lịch khác của Mường So. Quanh bản có rất nhiều nhà hàng, điểm du lịch Homstay đã được xây dựng. Anh Duyên, nói: Chỉ cần bãi tắm được thiết kế song. Chuỗi các điểm du lịch khác được xây rựng đồng thời, chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển như ở Sin Suối Hồ. Và còn rất nhiều tiềm năng du lịch ở Lai Châu chưa khám phá hết. Đó là lợi thế của Lai Châu. Trong đó có bản Vàng Pheo.
Tôi đem toàn bộ câu chuyện về ngành du lịch của địa phương trao đổi lại với Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao du lịch, Trần Quang Kháng, anh nói: Biết được lợi thế của Lai Châu, khát vọng làm giàu của bà con và cả những khó khăn trở ngại… Lai Châu đã ban hành rất nhiều chính sách để phát triển du lịch, trong đó có cả những chính sách kêu gọi thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đã ban hành riêng 2 nghị quyết về du lịch; Nghị quyết số 59 của HĐND tỉnh, quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 04/NQ-TU, ngày 17/2/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 mà ở đó đối tượng chúng tôi hướng đến là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Họ phải là những chủ thể, hạt nhân quan trọng trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở Lai Châu.
Chúng tôi cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: Du lịch Lai Châu giàu tiềm năng, nghèo sản phẩm và ít thông tin. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang xây dựng những lộ trình ngắn hạn, dài hơi để phát triển du lịch cộng đồng mà trong đó yếu tố con người là then chốt, đặc biệt sự tham gia vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng lòng hậu thuẫn của người dân. Để đồng bào các DTTS họ thực sự là những chủ thể của lĩnh vực du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa… phải để bà con tham gia xây dựng trực tiếp, gắn kết cộng đồng và Sin Suối Hồ là bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cho ngành du lịch ở Lai Châu.
Quá ngọ, tiễn chúng tôi ra về Phó giám đốc Kháng còn không quên tặng chúng tôi cẩm nang du lịch Lai Châu. Qua tiếp xúc trò chuyện cùng với rất nhiều nhân vật có trong bài và cả người dân, chúng tôi đều có cảm nhận: Lai Châu đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào ngành kinh tế mũi nhọn du lịch mà trước đó Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu, lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng, không bao xa ngành du lịch Lai Châu sẽ mang lại đời sống no ấm, đồng bào các DTTS thoát nghèo bền vững.