Thứ sáu, 22/11/2024 22:18 (GMT+7)
Thứ hai, 05/04/2021 11:15 (GMT+7)

Siêu dự án pin năng lượng mặt trời 500 triệu USD

Theo dõi KTMT trên

Siêu dự án điện từ pin năng lượng mặt trời 500 triệu USD tại Quảng Ninh dự kiến sẽ động thổ vào cuối tháng 4 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2021.

Ngày 4/4, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (công nghệ sản xuất điện pin năng lượng mặt trời), với tổng mức đầu tư 500 triệu USD cho Công ty Jinko Solar Hong Kong. 

Siêu dự án pin năng lượng mặt trời 500 triệu USD - Ảnh 1
Dự án pin năng lượng mặt trời có tổng mức đầu tư 500 triệu USD sẽ được triển khai tại khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên)

Siêu dự án 500 triệu USD được xây dựng tại khu kinh tế Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh); đồng thời là dự án đầu tư đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào khu kinh tế ven biển Quảng Yên, kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 24/9. Dự án cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, Jinko Solar Hong Kong là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới; năm 2019 xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu.

Jinko Solar Hong Kong là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới; năm 2019 xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu.

Đáng chú ý, Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 6 ngày (sớm hơn 12 ngày so với quy định thủ tục hành chính) và được tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến chấp thuận chỉ trong 1 ngày.

Dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của dự án sử dụng hệ thống máy móc thiết bị mới 100%, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài; doanh thu bình quân năm đạt gần 1.300 triệu USD; tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này đang trên đà thu hút đầu tư mạnh mẽ để góp phần tăng nguồn thu ngân sách, phát triển Tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh (GRDP).

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng quý 1, GRDP của Quảng Ninh tăng trưởng 9,2%, thu ngân sách đạt 10.500 tỉ đồng. Năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số và thu ngân sách 53.000 tỉ đồng. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi, bởi theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương có nhiều dư địa để tăng trưởng, nhất là Quảng Ninh vừa thu hút các dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng.

“Cách đây vài ngày, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục trong vòng 24 giờ để cấp phép cho 1 dự án tế bào quang điện phục vụ cho sản xuất năng lượng mặt trời, quy mô 500 triệu USD tại Khu công nghiệp Sông Khoai, Quảng Yên. Nhà đầu tư này đến từ Hong Kong, đi đầu trong điện năng sạch. Trong đó có sản xuất pin năng lượng mặt trời”, ông Văn nói.

Mối lo rác thải pin mặt trời

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) ước tính tới năm 2050 toàn thế giới có tới 78 triệu tấn pin mặt trời hết hạn sử dụng. Mỗi năm, toàn cầu sẽ thải ra khoảng 6 triệu tấn rác thải điện tử có nguồn gốc từ loại pin này.

Mặc dù 6 triệu tấn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số rác thải điện tử nhân loại thải ra mỗi năm, song điều đáng nói là các phương pháp tái chế rác thải điện tử hiện nay lại không giúp giải quyết hiệu quả rác từ pin mặt trời.

Siêu dự án pin năng lượng mặt trời 500 triệu USD - Ảnh 2

Việc xử lý, lấy lại những vật liệu giá trị tái sử dụng từ một tấm pin quang điện đòi hỏi những giải pháp tái chế chuyên biệt. Và theo chuyên trang công nghệ Wired, nếu nhân loại không thể phát triển được những giải pháp này đồng thời với những chính sách ủng hộ nhân rộng khai thác, sử dụng điện mặt trời, chúng ta hoàn toàn hiểu rõ hậu quả sẽ thế nào.

"Nếu chúng ta không đặt ra yêu cầu buộc phải tái chế, rất nhiều pin mặt trời sẽ bị mang ra bãi rác", nhà nghiên cứu điện mặt trời Meng Tao của ĐH bang Arizona nói. Chuyên gia này gần đây đã có báo cáo nghiên cứu đánh giá về việc tái chế pin điện mặt trời silicon, loại chiếm tới 95% trong thị trường này.

Pin năng lượng mặt trời hay pin mặt trời, pin quang điện gồm nhiều tế bào quang điện giúp chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện. Khi tấm pin này bị quẳng ra bãi rác, những nguồn tài nguyên quý giá trong đó cũng biến thành phế thải.

Năm 2019, công suất điện mặt trời của Việt Nam vào khoảng 6,74 GW. Theo Bản dự thảo "Quy hoạch Điện VIII", đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89 GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53G W. Nếu các con số trong dự thảo "Quy hoạch điện VIII" trở thành thực tế, khối lượng tích lũy chất thải tấm pin ước tính 404.000 tấn vào 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay, khoảng 17 triệu tấn.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có cơ chế chính sách về chất thải pin mặt trời. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả các tấm pin năng lượng mặt trời, với phương thức tương tự như thiết bị điện, điện tử hiện nay. Do vậy, rác thải từ pin mặt trời đang là vấn đề đáng lo ngại.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý, nhà đầu tư cần nghiên cứu, sớm có giải pháp để vừa hạn chế, ngăn chặn những tác hại của các tấm pin khi thải ra thị trường, vừa phát huy được nguồn giá trị lớn của năng lượng này.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Siêu dự án pin năng lượng mặt trời 500 triệu USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới