Thứ sáu, 19/04/2024 15:23 (GMT+7)
Thứ hai, 16/11/2020 15:21 (GMT+7)

Pin mặt trời hết hạn: Có thể tận dụng thành nguồn tài nguyên thứ cấp?

Theo dõi KTMT trên

Sau một thời gian phát triển ồ ạt, vấn đề xử lý pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng trở thành mối quan tâm lớn. Làm thế nào để xử lý những tấm pin này sau khi hết hạn để không gây ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán nan giải.

Pin hết hạn thì để làm gì?

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH của Quốc hội mới đây, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) bày tỏ lo ngại với việc phát triển năng lượng mặt trời tràn lan ở địa phương và chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn.

“Bộ trưởng không thể đổ cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý hoặc là chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời. Cái nhân dân cần là người đứng đầu ngành công thương phải đưa ra được phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời”, nữ đại biểu nói.

“Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao!”, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp nói thêm.

Đây có lẽ cũng là câu hỏi mà rất nhiều cử tri quan tâm khi hiện nay có rất nhiều dự án điện mặt trời đang được triển khai trên cả nước.

Pin mặt trời hết hạn: Có thể tận dụng thành nguồn tài nguyên thứ cấp? - Ảnh 1
Năng lượng mặt trời phát triển ồ ạt trong những năm gần đây. (Ảnh: Internet)

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, đầu tư điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 mục tiêu điện mặt trời đạt 850 MW vào năm 2020, lên 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến giữa năm 2020, tổng công suất điện mặt trời được quy hoạch đã lên đến 10.300 MW, trong đó đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW, chiếm gần 8,5% công suất lắp đặt của hệ thống điện.

Như vậy, công suất điện mặt trời đang vận hành hiện tại đã vượt chỉ tiêu của quy hoạch năm 2020 gấp 6 lần và vượt 1,25 lần chỉ tiêu năm 2025. Theo EVN, trong 6 tháng đầu năm, điện mặt trời phát lên lưới 4,71 tỉ kWh, tăng 5,35 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của EVN đến cuối năm 2019 cũng cho thấy, đã có khoảng 15.000 MW công suất các dự án điện mặt trời được Thủ tướng phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII.

Lỗ hổng từ khâu quản lý

Đáng nói, trong khi điện mặt trời phát triển như vũ bão thì vấn đề xử lý pin từ nguồn điện này lại khá lơ là. Giải đáp thắc mắc trên của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Còn chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không lại là chuyện bỏ ngỏ.

Quan trọng hơn, dù điện mặt trời đã phát triển mấy năm nay nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Theo GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, nhận xét thực tế, với tuổi thọ một dự án điện mặt trời đến 20 - 25 năm, yếu tố pháp lý ràng buộc về trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án hoàn tất vẫn còn “mỏng” hay nói đúng hơn là chưa có. Bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng, thậm chí còn bị bỏ quên trong nỗ lực tăng tốc phát triển điện mặt trời của các nhà quản lý.

“Trong thời gian qua, chúng ta quá chú trọng đến giá mua điện hấp dẫn thế nào để thu hút đầu tư mà “bỏ quên” chi phí xử lý liên quan đến môi trường với những tấm pin rất lớn”, GS Trần Đình Long nhận xét.

Ô nhiễm người dân tự chịu

Trong khi đó, chia sẻ với báo Đất Việt, TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho biết, trước tiên cần xác định rõ bộ phận nào ở pin mặt trời gây ô nhiễm.

Theo đó, trong tấm pin mặt trời, chỉ có một số điểm mạch chứa các kim loại nặng, thành phần axit... không tan trong nước, ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm. Những thành phần này chiếm tỉ lệ từ 3-5%, còn các thành phần vật liệu khác cấu tạo nên tấm panel là rác thải, phải chôn lấp hoặc có thể tái chế được.

Thông tư 18/2020 của Bộ Công Thương liên quan đến dự án điện mặt trời có quy định bên bán điện phải thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình điện mặt trời trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Đức Lâm, quy định trên chỉ thể hiện niềm tin của Bộ Công Thương vào lời hứa của chủ đầu tư dự án điện mặt trời về việc xử lý các thành phần gây ô nhiễm của tấm pin mặt trời sau khi chúng hết hạn sử dụng, còn thực tế là luật quy định nhưng không làm.

Chuyện này cũng tương tự như việc xử lý xỉ than ở các nhà máy điện than. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than phải cam kết chịu trách nhiệm xử lý xỉ than (có thể đem làm gạch, làm đường, xi măng...) nhưng thực tế cho thấy, nhiều nhà máy vận hành nhiều năm xỉ than chất đống không ai xử lý, thậm chí có nơi còn đổ xỉ than xuống biển.

"Rõ ràng quy định đã có nhưng biện pháp cưỡng chế thực hiện thì chưa có. Với điện mặt trời cũng vậy", TS Ngô Đức Lâm chỉ rõ và cho rằng, quy định trong Thông tư 18 chỉ là một cách "thoát trách nhiệm" của cơ quan quản lý, còn ô nhiễm cuối cùng vẫn xảy ra.

"Thử hỏi sau 15-20 năm nữa, khi một dự án điện mặt trời hết hạn, biết tìm nhà đầu tư ở đâu? Hoặc họ đổ cho rằng nhà chế tạo pin mặt trời phải chịu trách nhiệm thì biết tìm ai? ở đâu? Họ có cam kết không? Lúc ấy, thường thì địa phương và người dân phải chịu", vị chuyên gia nói và cho rằng, vấn đề ở đây không chỉ là cam kết mà phải yêu cầu chủ đầu tư dự án đóng trước một khoản tiền nhất định, coi như là khoản đặt cọc, để sau này dùng tiền đó xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn.

Có thể tận dụng thành nguồn tài nguyên thứ cấp

Chuyên gia người Đức tại Viện Quang điện Stuttgart từng cảnh báo: Các quốc gia nghèo đang phát triển sẽ phải gánh chịu xử lý dòng chất thải độc hại nhiều hơn khi đa phần các tấm pin đều là loại thứ cấp hoặc đã qua sử dụng.

Việc tái chế tốn kém hơn nhiều so với giá trị kinh tế của các vật liệu được thu hồi, đó là lý do tại sao hầu hết các tấm pin mặt trời cuối cùng lại nằm trong các bãi chôn lấp. Khu vực chôn lấp sẽ không trồng được cây cũng như sinh hoạt hàng ngày, điều này dẫn đến lãng phí quỹ đất ngày càng nhiều.

Pin mặt trời hết hạn: Có thể tận dụng thành nguồn tài nguyên thứ cấp? - Ảnh 2
Nhiều hệ lụy từ những tấm pin hết vòng đời. (Ảnh: Internet)

Các quốc gia đều yêu cầu và khuyến khích nhà sản xuất cần phải có kế hoạch tái chế cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều đó không thực sự được quan tâm nhiều. Nếu nhà sản xuất pin mặt trời không tham gia các chương trình tái chế sẽ gây ra gánh nặng cho chính phủ khi phải “dọn dẹp” rác thải từ "pin" mặt trời.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng các quốc gia nghèo và đang phát triển có nguy cơ hứng chịu hậu quả cao hơn. Cả khách hàng và nhà sản xuất đều chỉ quan tâm đến chi phí, họ muốn nó rẻ, hiệu suất cao.

Nhóm Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường tại Đại học Liege (Bỉ) mới đây cung cấp bằng chứng cho thấy trong tương lai, các tấm pin mặt trời cuối tuổi thọ có thể trở thành nguồn tài nguyên thứ cấp có giá trị cho một vật liệu quan trọng trong pin xe điện: Silicon có cấu trúc Nano siêu tinh khiết.

Một nghiên cứu nữa được công bố trên Tạp chí Hóa học & Kỹ thuật Bền vững ACS, báo cáo về nguồn tái sử dụng silicon có cấu trúc nano từ các tấm pin mặt trời hết hạn với ứng dụng trong sản xuất pin lithium-ion.

Khi đó, các tấm pin mặt trời đã qua sử dụng được tái sử dụng một lần nữa. Trong đó, Silicon thu hồi từ tấm pin mặt trời có thể để phát triển pin ô tô và xe máy. Kể từ đó, các công ty EV như Daimler và BMW cũng tích cực tham gia vào các chương trình nghiên cứu và phát triển để tổng hợp silicon cấp pin cho các ứng dụng EV.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Pin mặt trời hết hạn: Có thể tận dụng thành nguồn tài nguyên thứ cấp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .