Thứ năm, 25/04/2024 06:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/11/2020 11:51 (GMT+7)

Năng lượng mặt trời có phải là giải pháp ‘cứu cánh’ cho môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Năng lượng mặt trời được xem là sạch hơn và là giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng số lượng pin năng lượng mặt trời thải ra sẽ gây hại cho môi trường do chúng thường chứa chì, cadmium và các chất độc hại.

Mất rừng từ những dự án

Các dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, phổ biến ở Việt Nam hiện nay là năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ được cấp phép, tạo ra một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng là nguồn năng lượng sạch, dần thay thế các nguồn điện than và thuỷ điện trong tương lai. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là trong các dự án năng lượng tái tạo được cấp phép gần đây, xuất hiện xu hướng sử dụng nhiều diện tích đất rừng, ít thì 5-7 ha, nhiều thì có những dự án lên tới hơn 20 ha rừng.

Năm 2020, riêng Quảng trị, Bình Thuận, Bình Định đã chấp thuận đầu tư cho khoảng 10 dự án điện gió, ĐMT có sử dụng đất rừng.

Năng lượng mặt trời có phải là giải pháp ‘cứu cánh’ cho môi trường? - Ảnh 1
Ảnh: Thanh Niên

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt 7 dự án là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy sử dụng hơn 20 ha đất rừng; Nhà máy điện gió Phong Liệu sử dụng 3,56 ha rừng, trong đó 2,44 ha là rừng phòng hộ; Nhà máy ĐMT Gio Thành sử dụng 38,9 ha đất rừng, trong đó có 5,4 ha là đất rừng phòng hộ; Nhà máy điện gió Hướng Tân sử dụng quy mô rừng là 3,74 ha; Nhà máy ĐMT Gio Thành 2 với diện tích rừng sử dụng là 17,6 ha; Nhà máy điện gió Tân Linh với quy mô rừng là 3,31 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,54 ha.

Hai dự án lớn ở Bình Thuận và Bình Định đang trình xin ý kiến của Thủ tướng khi sử dụng trên 20 ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là Hoà Thắng 1.2 và Phù Mỹ 3. Phù Mỹ 3 sử dụng tổng diện tích rừng là 28,28 ha, trong khi Hoà Thắng 1.2 sử dụng 28,52 ha rừng tự nhiên.

Và mới đây nhất là dự án nhà máy ĐMT tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ (Long An) với diện tích gần 200ha đất rừng do UBND tỉnh Long An quyết định.

Thay vì không cấp phép cho các dự án thuỷ điện có sử dụng đất rừng thì các địa phương lại liên tục chấp thuận các dự án năng lượng tái tạo có sử dụng nhiều đất rừng.

Nguy cơ ô nhiễm từ pin hết hạn

Trong khi ĐMT phát triển như vũ bão thì vấn đề xử lý pin từ nguồn điện này lại chưa được quan tâm thỏa đáng. Liên quan đến vấn đề này, tại nghị trường Quốc hội mới đây, Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp đã đưa ra câu hỏi “Pin ĐMT hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?...”. Nhưng giải đáp thắc mắc này của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án ĐMT. Còn chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không lại là chuyện bỏ ngỏ. Quan trọng hơn, dù ĐMT đã phát triển mấy năm nay nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Thanh Niên, GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, nhận xét thực tế, với tuổi thọ một dự án ĐMT đến 20 - 25 năm, yếu tố pháp lý ràng buộc về trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án hoàn tất vẫn còn “mỏng” hay nói đúng hơn là chưa có. Bài toán phát triển ĐMT gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng, thậm chí còn bị bỏ quên trong nỗ lực tăng tốc phát triển ĐMT của các nhà quản lý. “Trong thời gian qua, chúng ta quá chú trọng đến giá mua điện hấp dẫn thế nào để thu hút đầu tư mà “bỏ quên” chi phí xử lý liên quan đến môi trường với những tấm pin rất lớn”, GS Trần Đình Long nhận xét.

Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong các tấm pin quang điện có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than.

Các tấm panel, tuy không phát thải hằng ngày nhưng với số lượng các dự án ĐMT cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 - 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

“Trên thế giới, thực ra không có nước nào quy định rõ ràng, đầy đủ các quy định về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn. Tuy nhiên ở nước ngoài, họ có nhà máy sản xuất tại chỗ, khi sản xuất các tấm pin này, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng công nghệ khử bỏ lượng kim loại nặng. Đối với các nước phải nhập khẩu, điều kiện khử bỏ kim loại nặng hoặc “ứng trước” chi phí xử lý rác thải thông qua giảm giá thành có thể đã được ràng buộc trong hợp đồng. Trong khi tại Việt Nam hầu hết là lắp ráp, đi mua, không ràng buộc cụ thể các điều kiện này trong hợp đồng mua bán và cũng không kiểm tra lại khi nhập về”, TS Lâm nói.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giải thích các tấm pin gây thải ra môi trường nặng hay nhẹ liên quan đến chất lượng của pin, tỉ lệ các thành phần mà nhà sản xuất sử dụng. Các thành phần sản xuất tấm pin gồm nhựa, silicon, một số hoạt chất dẫn có tính dẫn điện như thạch anh, kim loại dẫn điện. Tuy nhiên, nhựa vẫn là thành phần chính trong mỗi tấm pin. Việc bóc tách các thành phần này không khó, nhưng thực tế trong các quy định chỉ nói thu gom còn xử lý bóc tách không nói rõ.

Mặt khác, về khoa học, hầu hết các tấm pin đã dùng hết tuổi thọ sẽ phải bỏ vì tái tạo còn tốn nhiều chi phí hơn cả thay mới. Với bối cảnh xã hội Việt Nam, người dân có thể sẽ đập nhỏ, vứt bừa bãi như rác thải thông thường. Do đó, vấn đề xử lý ô nhiễm từ chất thải của các tấm panel ĐMT tại Việt Nam cấp thiết hơn so với các nước khác.

Theo nghiên cứu của Silicon Valley Toxics Coalition (SVTC) - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về các tác động của chất thải độc hại từ các ngành công nghiệp công nghệ cao đối với sức khỏe con người cho rằng, năng lượng mặt trời có thể không sạch. Điều này nằm ở vòng đời của những tấm pin quang điện, khi chúng được tạo ra và khi được thải bỏ.

Hoạt động sản xuất pin năng lượng mặt trời sử dụng các hóa chất nguy hiểm, thải ra khí nhà kính. Không chỉ cần đến các kim loại nặng độc hại, hoạt động sản xuất những tấm quang điện còn cần đến một lượng lớn nước và điện. Những thứ này tất nhiên được lấy từ các nhà máy dùng nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời còn làm tăng đáng kể lượng khí thải nitrogen trifluoride (NF3), loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 17.200 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 100 năm.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng mặt trời có phải là giải pháp ‘cứu cánh’ cho môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới