Triển khai khảo sát ‘siêu dự án’ điện gió ngoài khơi La Gàn 10 tỉ USD
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW và vốn đầu tư lên đến 10 tỉ USD sẽ là một trong những siêu dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam.
Để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Liên danh Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á và Công ty TNHH Novasia Energy đã tiến hành ký kết hai hợp đồng khảo sát địa điểm chính trị giá khoảng 5 triệu USD bao gồm: Hợp đồng LiDAR Nổi và hợp đồng Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội (ESIA). Lễ ký kết có sự chứng kiến của Đại sứ Đan Mạch và đại diện các cơ quan ban ngành tại Việt Nam.
Theo đó, hợp đồng LiDAR Nổi được trao cho AXYS Technologies, một công ty công nghệ hàng đầu thế giới với 46 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp dữ liệu gió và đại dương. AXYS sẽ hợp tác với các số nhà thầu phụ Việt Nam, bao gồm Petrosetco, Cảnh sát biển Việt Nam và Rynan Technologies để thực hiện hợp đồng.
Hợp đồng Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội (ESIA) được trao cho tập đoàn NIRAS, một tập đoàn có công ty mẹ tại Đan Mạch với nhiều kinh nghiệm đánh giá các tác động môi trường và xã hội cho các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu.
Trong hợp đồng nêu rõ, NIRAS sẽ hợp tác với các nhà thầu phụ Việt Nam bao gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3), Viện Dầu khí Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (VPI-CPSE), Công ty TNHH Dịch vụ Nghiên cứu & Du lịch Hoang dã (Bird Việt Nam) và Trung tâm Hỗ trợ Giá trị Bản địa và Môi trường Bền vững (CHIASE).
NIRAS và các nhà thầu phụ Việt Nam sẽ cùng thu thập dữ liệu, mô hình hóa kết quả và thiết kế các giải pháp để giảm thiếu tối đa bất kỳ tác động tiêu cực nào của dự án La Gàn lên môi trường và xã hội, đồng thời đảm bảo dự án được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.
Ông Kim Hojlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, việc ký kết này đánh dấu bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, mà còn đối với sự phát triển không ngừng của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. “Tôi tin rằng sự hợp tác giữa các công ty quốc tế có kinh nghiệm hàng đầu thế giới và các công ty Việt Nam uy tín sẽ góp phần to lớn vào việc chuyển giao kiến thức trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Dự án đã đệ trình lên cơ quan chức năng xin cấp giấy phép để tiến hành các hoạt động khảo sát trên bờ và ngoài khơi từ đầu năm. Từ đó đến nay, dự án đã tiến hành các hoạt động gọi thầu dịch vụ từ các nhà cung cấp nước ngoài và Việt Nam. Việc ký kết này cho thấy, các nhà đầu tư đã sẵn sàng triển khai dự án ngay khi được chính phủ Việt Nam cấp giấy phép.
‘Việc hiểu rõ các đặc điểm tại nơi thực hiện dự án là rất quan trọng để hoàn thiện ý tưởng thiết kế và đảm bảo hướng phát triển đúng đắn của một dự án điện gió ngoài khơi. Chúng tôi cũng rất ủng hộ sự tham gia của các nhà thầu phụ Việt Nam như Petrosetco, Cảnh sát biển Việt Nam, PECC3 và VPI-CPSE, nhằm phát triển chuỗi cung ứng địa phương và tạo điều kiện cho việc chuyển giao kiến thức’ - ông Michael Hannibal, thành viên sáng lập CIP cho biết.
Kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào tháng 7 năm 2020, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động, bao gồm cả việc chuẩn bị cho công tác khảo sát thực địa, cũng như xin bổ sung vào Quy hoạch Phát triển Điện 8 và phê duyệt giấy phép khảo sát.
Với vốn đầu tư lên tới 10 tỉ USD và công suất 3,5 GW, dự án này là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sẽ tạo cơ hội việc làm đáng kể cho cả Bình Thuận và Việt Nam, đồng thời sẽ là tiền đề thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có tổng công suất gió ước tính khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW).Nhiều chuyên gia năng lượng tái tạo cùng chung ý kiến, Nhà nước cần phải có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi; sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác...
Thùy Linh