Thứ bảy, 12/10/2024 22:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/10/2020 08:58 (GMT+7)

Rừng trong phố

Theo dõi KTMT trên

Dự kiến đến năm 2050 có khoảng 70% dân số thế giới sống tại thành thị. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây ra vấn đề ô nhiễm, an ninh lương thực, kéo theo nghèo đói và thảm họa thiên tai.

Rừng trong phố - Ảnh 1
Rừng trong phố - Ảnh 2

Việc các thành phố mở rộng nhanh chóng mà không có chiến lược quy hoạch sử dụng đất hiệu quả sẽ gây ra những tác động lớn đối với cảnh quan cũng như không gian xanh trong thành phố. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy đối với cuộc sống con người, trong đó có vấn đề ô nhiễm, sức khỏe, an ninh lương thực, thiên tai… Phủ xanh đô thị có thể giúp giảm một số tác động tiêu cực và hậu quả xã hội của quá trình đô thị hóa, giúp các thành phố có khả năng chống chịu tốt hơn với những thay đổi này:

Trước hết, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc tăng đa dạng sinh học đô thị, cung cấp cho các loài động, thực vật một môi trường sống thuận lợi, thức ăn và sự bảo vệ. Một cây xanh trưởng thành có thể hấp thụ tới 150 kg CO2 mỗi năm. Do đó, cây xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt ở các thành phố có mức độ ô nhiễm cao, cây xanh có thể cải thiện chất lượng không khí, làm cho môi trường trong lành hơn. Cây xanh lớn là bộ lọc tuyệt vời các chất ô nhiễm đô thị và bụi mịn. Chúng hấp thụ các khí ô nhiễm (như carbon monoxide, nitrogen oxide, ozone và sulfer oxide) và lọc các hạt mịn như bụi, bẩn hoặc khói ra khỏi không khí bằng cách đọng chúng trên lá và vỏ cây. Một số nghiên cứu cho thấy, sống gần không gian đô thị xanh có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm chứng huyết áp cao và căng thẳng. Điều này góp phần gia tăng chỉ số hạnh phúc của cộng đồng dân cư đô thị. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, cây cối làm giảm tiếng ồn đô thị tới 10 decibel, tăng cường kỹ năng ghi nhớ của học sinh, giảm nguy cơ rối loạn tâm thần và thậm chí giảm tỉ lệ tội phạm.

Việc bố trí cây xanh một cách chiến lược trong thành phố giúp làm mát không khí từ 2 đến 8 độ C, do đó giảm hiệu ứng “đảo nhiệt” đô thị, giúp cộng đồng đô thị thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Cây xanh cũng giúp giảm lượng khí thải carbon bằng cách tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, việc trồng cây xung quanh các tòa nhà có thể giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí xuống 30%, giảm 20-50% hóa đơn sử dụng năng lượng để sưởi ấm vào mùa đông. Cây gỗ lớn điều tiết dòng nước, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ lụt, thiên tai.

Rừng trong phố - Ảnh 3

Một thành phố có cơ sở hạ tầng xanh, được quy hoạch và quản lý tốt, sẽ trở nên linh hoạt, bền vững hơn về dinh dưỡng và an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái. Do đó, trong thời gian tồn tại và phát triển, cây xanh có thể mang lại những lợi ích có giá trị gấp hai đến ba lần so với khoản đầu tư trồng và chăm sóc chúng. Theo dữ liệu từ cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, một cây sồi liễu có đường kính 36 inch (91 cm) trong một khu dân cư ở ngoại ô thủ đô D.C. có thể tạo ra lợi ích trị giá khoảng 330 đô la Mỹ mỗi năm. Bao gồm làm chậm dòng chảy mưa lũ, làm mát nhiệt độ không khí, thậm chí thúc đẩy thành tích của học sinh và sức khỏe cộng đồng. Quy hoạch cảnh quan đô thị với cây xanh có thể làm tăng giá trị bất động sản lên tới 20%, đồng thời thu hút du lịch và kinh doanh. Với những lợi ích lớn của việc phủ xanh đô thị trong bối cảnh trái đất nóng lên và tốc độ đô thị hóa chóng mặt, ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách lên kế hoạch tạo ra những thành phố xanh và sạch với những tiện ích không ngờ.

Singapore, London, Berlin, New York hay Paris đều có những khu vực được mệnh danh là “rừng trong thành phố”, tạo ra môi trường xanh và sạch cho con người. Hãy đến thăm các thành phố xanh nhất thế giới, xem cách chính quyền thành phố phủ xanh hiệu quả các khu vực đô thị.

Rừng trong phố - Ảnh 4

Công ty Resonance tại Mỹ đã công bố thủ đô Vienna của Áo là thành phố xanh nhất thế giới, dựa trên phân tích chất lượng không khí, số lượng công viên và khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng trong thành phố. Vienna thực sự là một thành phố tuyệt vời, với hơn 50% diện tích được phủ xanh và nhiều cư dân được hưởng những không gian xanh ngay trước cửa nhà. Một kế hoạch quy hoạch bài bản đã mang đến cho thành phố được du khách ghé thăm nhiều nhất trên thế giới này mọi thứ, từ Công viên thành phố lấy cảm hứng từ những khu vườn nước Anh, đến Công viên quốc gia ngay bên ngoài thị trấn (Nationalpark Donau Auen). Dòng sông Danube trong xanh êm đềm chảy qua thành phố và khu rừng xanh tươi bao bọc thành phố đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Thành phố Vienna cũng đạt “tiêu chuẩn châu Âu về vấn đề phương tiện công cộng”, với gần một nửa dân số của thành phố có thẻ sử dụng phương tiện công cộng hàng năm. Đại dịch Covid-19 một lần nữa chứng minh tác dụng của các khu rừng trong phố, khi nhiều người có thể đi dạo trong công viên vắng vẻ hay giúp người dân có một tâm trạng thư giãn hơn trong không gian xanh mát.  Mặc dù mật độ phủ xanh tại Vienna được cho là không đồng đều ở các quận trong thành phố, nhưng theo tất cả các tiêu chí, thủ đô của Áo đạt mức cao về chất lượng cuộc sống.

Rừng trong phố - Ảnh 5
Rừng trong phố - Ảnh 6

Khi nghĩ về rừng trong phố, người ta thường nghĩ đến những thành phố ít cư dân hay thiếu vắng các tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên thành phố xanh nhất châu Á- Singapore ngược lại, nổi tiếng với các tòa nhà chọc trời, trung tâm thương mại sầm uất, nhưng được cả thế giới ngưỡng mộ về mức độ xanh và sạch của mình. Đất nước Singapore nhỏ bé đang sở hữu những công trình xanh bề thế bậc nhất thế giới, một phần của kế hoạch tạo ra “Thành phố vườn” trong kế hoạch phát triển của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, nhằm gắn kết môi trường với sự phát triển đô thị, làm giảm bớt tác động của bê tông hóa để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Song song với việc thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, Singapore cũng có chiến lược phủ xanh thành phố từ mọi ngõ ngách. Rất nhiều cây xanh dọc các con đường và trong từng khoảng không của những tòa nhà. Thậm chí các tòa nhà chọc trời cũng là một công viên xanh thu nhỏ. Khu tổ hợp “Những khu vườn bên Vịnh” là công trình hiện thực hóa tham vọng rừng trong phố của chính phủ Singapore. Là công viên rộng 101 ha nằm giữa trung tâm đảo quốc sư tử, với những cây nhân tạo khổng lồ giúp tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời và tạo môi trường sống cho các loài thực vật. Điểm thu hút chính trong khu vườn là Supertree Grove, những cây xanh thẳng đứng cao chót vót có chiều cao từ 25 đến 50 mét (82–164 feet). Khách sạn Pickering cũng là công trình xanh điển hình khác ở Singapore. Kiến trúc sư khéo léo đặt những vườn cây giữa các tầng của tòa nhà, tạo ra cảnh quan độc nhất vô nhị cho khu phố. Bên trong tòa nhà, người ta trồng dương xỉ và nhiều loại cây nhằm tạo ra không khí trong lành, mát mẻ. Tán và rễ cây trở thành rèm che nắng tự nhiên cho các phòng. Cây cối xanh tốt khiến tòa nhà trông giống một công trình mọc lên giữa rừng rậm nhiệt đới.

Ngoài những thành phố xanh nhất thế giới, London, Berlin, New York hay Paris đều được mệnh danh có ”rừng trong thành phố”. Bois de Boulogne là công viên rộng thứ hai của nước Pháp, nằm giữa thủ đô Paris hoa lệ. Ngoài hệ thống thực vật phong phú, công viên còn sở hữu nhiều hồ và thác nước. Công viên trung tâm nằm giữa quận tài chính Manhattan, thành phố New York, Mỹ có diện tích đạt 341 ha. Công viên được xây dựng từ năm 1858, thu hút nhiều người tới nhất tại Mỹ. Grunewald là khu rừng nằm ở mặt phía tây của thủ đô Berlintrải rộng trên diện tích 3.000 ha và là vùng xanh rộng nhất ở Berlin.

Rừng trong phố - Ảnh 7
Rừng trong phố - Ảnh 8

Khi nói đến xanh và sạch, các thành phố châu Âu được cho là đứng đầu bảng xếp hạng. Để đạt được mục tiêu này, đã có những “cuộc cách mạng” không ngừng nghỉ để đưa khoảng xanh vào không gian sống nhiều hơn. Đây không chỉ là một chiến lược quy hoạch bài bản từ cấp quốc gia, địa phương mà còn là khả năng huy động hiệu quả sức dân để phủ xanh thành phố.

Từ năm 2016, chính quyền thủ đô Paris của Pháp đặt mục tiêu phủ xanh 100 ha (tương đương với gần 140 sân bóng đá) mái nhà và bờ tường của những tòa nhà trong thành phố, trong đó 1/3 diện tích dành cho mô hình nông nghiệp đô thị. Chính quyền Paris đã huy động sự phối hợp của mọi đối tác: chủ đầu tư, chủ xây dựng, các nhà thiết kế phong cảnh… đặc biệt là người dân, đồng thời tạo điều kiện vật chất và kỹ thuật để thực hiện dự án.

Chỉ cần một khoảnh đất dưới gốc cây trên hè phố, một thảm cỏ nhỏ, một khoảng trống trên tường nhà phía mặt phố, người dân có thể viết đơn xin phép trồng cây. Một số khác trồng cây ngoài ban công, trên mái nhà nơi họ sinh sống, hoặc đơn giản là làm một góc vườn nhỏ bên cửa sổ. Chính sách khuyến khích trồng cây của chính quyền Paris còn được thể hiện ở việc cung cấp miễn phí hạt, củ giống hoặc cây giống ở vườn ươm của thành phố. Xanh, sạch và bảo vệ thiên nhiên là những tiêu chí được đề cao trong quá trình phủ xanh Paris, người dân không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học. Dự án nông nghiệp đô thị không chỉ cải thiện Paris về mặt thẩm mỹ và môi trường, mà nó còn vô hình chung tạo nên nhiều cơ hội về việc làm cho người dân. Vì vậy, chưa có con số cụ thể đạt được trong mục tiêu phủ xanh Paris, nhưng điều thay đổi rõ rệt nhất có thể thấy từ ý thức của người dân thành phố đang ngày càng quan tâm đến không gian xanh và muốn cải thiện môi trường.

Rừng trong phố - Ảnh 9

Trong một dự án phủ xanh thành phố năm 2019, thị trưởng London (Anh) cũng kêu gọi người dân trồng 100.000 cây ở thủ đô trong những tháng mùa đông. Khoảng 40 nghìn cây giống được chính quyền hỗ trợ thông qua chương trình Tài trợ cây trồng trong cộng đồng. Không chỉ là hoạt động trồng cây tại các sự kiện do chính quyền thành phố tổ chức, người dân cũng được khuyến khích trồng cây trong vườn hay các trường học trên khắp thành phố với cây trồng được cung cấp miễn phí. Không chỉ là những không gian xanh, chính quyền thành phố cũng nêu những lợi ích mà người dân có thể được hưởng với các dự án này, như hỗ trợ phục hồi các vườn cây ăn quả cộng đồng, cung cấp giống cây ăn quả miễn phí cho các nhóm quy hoạch vườn cây ăn quả của riêng họ.

Phủ xanh đô thị là tương lai của nhiều thành phố lớn vì góp phần cải thiện chất lượng sống, tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và giúp các đô thị thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu. Để thực hiện là một quá trình bài bản, sự quyết tâm, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt phải có sự đồng thuận người dân.

Có thể nói phủ xanh đô thị là tương lai của nhiều thành phố lớn vì góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và giúp các đô thị thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên để thực hiện một dự án hiệu quả sẽ là một quá trình không hề dễ dàng, đòi hỏi một chiến lược quy hoạch bài bản, sự quyết tâm, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt phải có sự đồng lòng và ủng hộ của người dân với nhận thức “xanh từ trái tim”.

Rừng trong phố - Ảnh 10

Anh Đức (Thiết kế: Mẫn San)

Bạn đang đọc bài viết Rừng trong phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắc Ninh phát động phong trào thi đua chuyển đổi số
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Ninh đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được những kết quả nổi bật. Trên cơ sở đó, Bắc Ninh tiếp tục phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2025”.