Thứ năm, 25/04/2024 07:17 (GMT+7)
Thứ năm, 24/03/2022 11:00 (GMT+7)

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ

Theo dõi KTMT trên

Là khu vực vốn có trữ lượng rừng giàu bậc nhất cả nước, đánh giá nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ rừng không còn phù hợp với thực tế khiến rừng vẫn bị tàn phá, tỉnh Đắk Lắk đề nghị sửa đổi một số điều luật, tăng nguồn đầu tư để bảo vệ rừng.

Ngày 23/3, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT tổ chức khảo sát thực tế, tham mưu kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tây Nguyên.

Kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng quá thấp

Vào đầu tháng 3/2022, đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về vấn đề trên. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc bảo vệ rừng ở Tây Nguyên có ý nghĩa phòng hộ, bảo vệ môi trường cho cả khu vực nhưng công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Về kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm như hiện nay là quá thấp so với nhu cầu thực tế, không bảo đảm công tác quản lý bảo vệ rừng dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chặt phá, xâm hại trái phép. Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị, đề xuất Chính phủ cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm.

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ - Ảnh 1
Một vụ phá rừng pơ mu quý hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3/2022 (Ảnh: Thế Hùng)

Tỉnh Đắk Lắk đặc thù của có diện tích rừng khộp lớn, hơn 185.000 ha. Tháng 7/2016, thực hiện tạm dừng cải tạo loại rừng khộp nghèo khiến các công ty lâm nghiệp đã nhận hàng chục ngàn hecta rừng khộp đang rất khó khăn trong việc quản lý, sử dụng. Trong khi đó, áp lực vào rừng lớn do tình trạng người dân di cư tự do vào lấn chiếm đất rừng khó kiểm soát.

Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) ông An Ngọc Tân, đơn vị quản lý hơn 14.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, chỉ được hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm đối với diện tích hơn 8.000 ha có rừng tự nhiên.

"Tổng kinh phí hỗ trợ mỗi năm khoảng 2,4 tỷ đồng nên lương bình quân chỉ khoảng 4,3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải ngày đêm tuần tra, ăn ngủ trong rừng và luôn đối mặt với nguy hiểm. Thực tế rất nhiều cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc vì lương không đủ sống".

Rừng tự nhiên tiếp tục bị "xẻ thịt"

Trước đó, thông tin hồi tháng 7/2020, theo báo cáo của Bộ NN -PTNT, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956 ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. Trong đó, rừng phân theo mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng 479.257 ha, rừng phòng hộ 547.822 ha, rừng sản xuất 1.532.876 ha.

Năm 2019, diện tích rừng trồng tăng 18.387 ha so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753 ha. Trong đó, 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk 11.419 ha, Đắk Nông 7.156 ha và Gia Lai 494 ha.

Từ năm 2019 đến tháng 7/2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm về lâm nghiệp, đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính 4.119 vụ vi phạm; xử lý hình sự 314 vụ; tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 56 tỷ đồng.

Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 1.309 vụ phá rừng, canh tác nương rẫy trái phép, diện tích rừng bị phá là 410,412 ha. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020 đã phát hiện 417 vụ phá rừng, tăng 57 vụ (15,83%), gây thiệt hại 126,8 ha rừng.

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ - Ảnh 2
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) cùng người dân nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng.

Trên thực tế rừng ở Tây Nguyên bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh).

Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý. Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Do đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Một nguyên nhân suy giảm diện tích rừng ở Đắc Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên là do một số diện tích rừng đã bị biến đổi trước năm 2014, thế nhưng trong quá trình điều tra, kiểm kê rừng chưa phát hiện được.

Một số diện tích rừng đã bị phá từ những năm trước nhưng do chủ rừng không phát hiện hoặc che giấu để né tránh trách nhiệm. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm trên địa bàn mỏng nên không thể kiểm soát hết diện tích rừng được giao quản lý. Đắk Lắk có diện tích rừng khộp lớn, cơ bản là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN - PTNT Hà Công Tuấn cảnh báo trước tình trạng rừng Tây Nguyên bị suy giảm: "Trước đây, rừng tự nhiên tại Tây Nguyên có trữ lượng rất giàu. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rừng Tây Nguyên do chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhiều năm qua, phát triển cây công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội nên diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm nhanh chóng.

Hiện vẫn còn tiếp tục suy giảm. Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ diện tích rừng hiện có, không thể để thấp hơn được nữa. Đến nay, độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên còn 45,92%, nhưng trong đó rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn".

Tăng lực lượng, quyền hạn bảo vệ rừng

 Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc giao biên chế kiểm lâm của Bộ NN-PTNT không đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Công chức kiểm lâm hiện phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, phụ trách nhiều địa bàn, có những trường hợp 1 kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5-6 xã có rừng với diện tích hàng chục ngàn hecta rừng.

Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ - Ảnh 3
Để giữ chân cán bộ, người lao động ở lại với nghề lâm nghiệp thì cần sớm có cuộc cải tổ chế độ chính sách cho lực lượng này. (Ảnh: Phan Tuấn)

Mặt khác, quyền hạn kiểm lâm rất hạn chế, thường xuyên bị lâm tặc tấn công. Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, các lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả, đe dọa đến tính mạng và thực tế trong thời gian qua, ở Đắk Lắk có một số người đã bị thiệt mạng khi làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, kinh phí cấp cho công tác quản lý bảo vệ rừng quá thấp. Một số đơn vị phải giảm biên chế, vay mượn để thanh toán lương và tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xảy ra ở nhiều đơn vị. Những vấn đề này dẫn đến công tác quản lý bảo vệ rừng bị buông lỏng, rừng bị xâm hại, cán bộ kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng, kể cả lãnh đạo quản lý các công ty lâm nghiệp cũng xin thôi việc, thậm chí tự ý bỏ việc.

Ông Dương cho biết thêm: "Tỉnh Đắk Lắk đã phân tích rất kỹ thực trạng để Bộ NN-PTNT nắm rõ, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao các đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách của tỉnh Đắk Lắk để bảo vệ phát triển rừng. Bộ trưởng đã giao Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình, tham mưu tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng".

Xin chuyển hơn 350 ha rừng xây cao tốc

Tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 938 ha, trong đó đất rừng sản xuất gần 332 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 21,3 ha, trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, sớm hoàn chỉnh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Rừng Tây Nguyên bị tàn phá, Đắk Lắk đề xuất sửa luật để bảo vệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.