Thứ sáu, 29/03/2024 04:57 (GMT+7)
Thứ hai, 22/11/2021 07:01 (GMT+7)

Rừng đặc dụng liệu có là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia?

Theo dõi KTMT trên

Hệ thống rừng đặc dụng ngày càng giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hệ thống tự nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Rừng là lá phổi xanh của Trái Đất, đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự sống trên hành tinh. Tuy nhiên, trên thực tế, rừng còn giữ nhiều nhiệm vụ hơn thể nữa. Trong đó, rừng đặc dụng là mô hình rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen thực vật động vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi du lịch.

Trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ, rừng đặc dụng được phân loại thành 3 nhóm chính.

Thứ nhất là vườn quốc gia. Đây là vùng đất tự nhiên được thành lập để bảo vệ lâu dài một hoặc nhiều hệ sinh thái và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau: Là vùng đất tự nhiên bao gồm mẫu chuẩn hệ sinh thái cơ bản; các nét đặc trưng về sinh cảnh của các loài động, thực vật; các khu rừng có giá trị cao về khoa học, giáo dục và du lịch. Đồng thời đây cũng phải là vùng đất tự nhiên đủ rộng để chứa đựng được một hay nhiều hệ sinh thái và không bị thay đổi bởi những tác động xấu của con người; có tỉ lệ diện tích hệ sinh thái tự nhiên cần phải bảo tồn phải đạt 70% trở lên; có điều kiện về giao thông tương đối thuận lợi.

Rừng đặc dụng liệu có là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia? - Ảnh 1
Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Chiasetainguyen.com)

Thứ hai là các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là khu vực gồm khu dự trữ thiên nhiên và khu bảo tồn loài - sinh cảnh. Trong đó, khu dự trữ thiên nhiên là vùng đất tự nhiên có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học cao và được thành lập với mục đích chủ yếu là bảo đảm diễn thế tự nhiên, phục vụ nghiên cứu khoa học. Một vùng đất chỉ được xác định là khu dự trữ tự nhiên khi thoả mãn các điều kiện như: Hệ sinh thái tự nhiên tiêu biểu, còn giữ các đặc trưng cơ bản của tự nhiên, ít bị tác động có hại của con người; hệ động thực vật đa dạng hoặc có các loài đặc hữu đang sinh sống; tỉ lệ diện tích hệ sinh thái tự nhiên cần bảo tồn đạt từ 70% trở lên và đảm bảo tránh được sự tác động trực tiếp của con người.

Còn đối với khu bảo tồn các loài - sinh cảnh, đây là vùng đất tự nhiên được quản lí bảo vệ nhằm bảo đảm môi trường sống cho một hoặc nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Vùng đất này phải đảm bảo là nơi đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, duy trì cuộc sống và sự phát triển của các loài; là nơi cư trú hoặc nơi có các loài động vật hoang dã quý hiếm...

Thứ ba là các khu rừng văn hóa – lịch sử – môi trường. Đây là khu vực gồm một hoặc nhiều cảnh quan mang giá trị văn hóa, lịch sử. Được lập ra nhằm mục đích phục vụ những hoạt động văn hóa, du lịch hoặc nghiên cứu, gồm: Những khu vực có di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hàng trong nước và thế giới; Khu vực có những thắng cảnh ở ven biển, hải đảo hoặc đất liền.

Theo thống kê, hiện nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha chiếm gần 15%; rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha chiếm khoảng 31,8%. Bên cạnh đó, đến nay cả nước đã thành lập 398 Ban quản lý rừng (167 ban quản lý rừng đặc dụng; 231 ban quản lý rừng phòng hộ), quản lý gần 50% diện tích rừng của toàn quốc, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh. Vì vậy, hệ sinh thái rừng đặc dụng, phòng hộ đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, đối với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ có tiềm năng, cần thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp khai thác tiềm năng của rừng, phát triển lâm đặc sản, dược liệu dưới tán rừng; phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo các nguồn thu đầu tư trở lại bảo vệ rừng.

Việc khai thác lâm sản phải tuân theo quy chế quản lý rừng, không được gây hại đến mục tiêu bảo tồn và cảnh quan của khu rừng và phải tuân theo các quy định như: Được khai thác những cây gỗ đã chết, gãy đổ; thực vật rừng ngoài gỗ, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; không được săn, bắt, bẫy các loài động vật rừng.

Tại một cuộc hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức, ông Lê Trọng Hải - Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ về chính sách quản lý vào đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng.

Trước những bất cập trong công tác quản lý rừng bền vững tại Việt Nam, ông Hải khuyến nghị Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng, ban hành cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển rừng đặc dụng nói riêng. Cơ chế chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng phải được đưa vào kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm hoặc 5 năm, đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến quản lý bền vững rừng đặc dụng, tạo điều kiện thúc đẩy huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Rừng đặc dụng liệu có là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.