Lặng ngắm những kiệt tác về cháy rừng của các danh họa kỳ tài trên thế giới
Khi đại nạn xảy ra với một cộng đồng, dường như tất cả các thành viên đều tạm thời tìm được mẫu số chung – là nỗi sợ hãi, niềm lạc quan hay quyết tâm vượt khủng hoảng. Và “khu rừng cháy” là một motif hội họa ẩn dụ thể hiện trạng huống đó.
Vẽ là kể chuyện, và nghệ sỹ là người mang những câu chuyện riêng, chung với ý tứ, cảm xúc sâu thẳm ra bày lên mặt tranh bằng từ vựng thị giác của mình. Có những câu chuyện tất cả đều hiểu, có những câu chuyện không ai hiểu, có những câu chuyện mỗi người hiểu theo một cách, tùy vào tần số của họ.
Nhưng khi đại nạn xảy ra với một cộng đồng, dường như tất cả các thành viên đều tạm thời tìm được mẫu số chung – là nỗi sợ hãi, niềm lạc quan hay quyết tâm vượt khủng hoảng. Và “khu rừng cháy” là một motif hội họa ẩn dụ thể hiện trạng huống đó, tồn tại xuyên thời gian, địa lý và nền văn hóa.
Tại sao lại là lửa? Từ thuở hồng hoang, việc tạo ra lửa là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người. Nó vừa là một công cụ sinh hoạt, vừa là một vũ khí phòng vệ, nhưng cũng có thể là một mối nguy ảnh hưởng đến sự sống còn. Ở cấp bậc cá nhân, nỗi sợ lửa – pyrophobia – đã trở thành một trong những hội chứng tâm lý thường gặp nhất trong các loại nỗi sợ. Ở cấp bậc cộng đồng, một đám cháy có thể bắt đầu từ bất kỳ nơi nào, và dễ dàng vượt qua khỏi tầm kiểm soát của tất cả chúng ta, gây ra một ám ảnh bao trùm tập thể.
Tại sao lại là rừng? Đã từ lâu, con người rời rừng, lập ra thành thị. Nhưng cách chúng ta vận hành xã hội nhân tạo – dù ở thể chế nào, quốc gia nào – cũng không khác cơ cấu quyền lực của chuỗi thức ăn trong rừng là mấy. Luôn có giai cấp thống trị và bị trị, luôn có những chiến lược tồn tại và leo cao, luôn có sự ngăn nắp và sự hỗn tạp xảy ra đồng thời.
Xét cho cùng, chúng ta vẫn chỉ là một loại động vật cấp cao, với những ranh giới phân định bị xóa mờ trong khủng hoảng. Người nghệ sỹ, với nhãn quan sắc sảo, đã ghi lại những biến động bản lề đó. Ở đây tôi tuyển chọn và giới thiệu đến các bạn sáu tác phẩm hội họa với chủ đề “Khi khu rừng cháy”, sắp xếp theo trình tự thời gian.
1. Cháy rừng (c. 1505), Piero di Cosimo (1462-1522)
Piero di Cosimo là một danh họa Phục Hưng người Ý (và là con rể của Cosimo Rosselli), nổi tiếng với những chủ đề thần thoại ẩn dụ và biểu hiện lập dị. Bức phong cảnh khổ lớn này vẽ một khóm rừng cháy, gây hoảng loạn cho muông thú, gia súc và con người. Hãy để ý cách họa sỹ vẽ lửa, với sức nóng sáng trắng, thân và cành cây đỏ rực như than. Vạn vật tẩu thoát khỏi trung tâm cuộc khủng hoảng, được mô tả với những động tác và trạng thái khác nhau, hoảng hốt và mệt mỏi – không còn phân biệt thứ bậc của loài săn hay con mồi, của gia súc hay dã thú.
Trong số chúng, có một con hươu và một con lợn rừng có đầu người, chính là những satyr nửa người nửa thú trong thần thoại Hy Lạp, những sinh vật kỳ bí trong rừng sâu. Chính chúng cũng bị đám cháy xua ra nơi đồi bằng, xóa đi cả ranh giới giữa thiêng liêng và trần tục, cũng là ẩn dụ cho một quá khứ ngây thơ, vị thiên nhiên đã mất chốn nương thân.
2. Krishna nuốt đám cháy rừng (c. 1720), họa sỹ khuyết danh
Đây là một trang minh họa trích từ cuốn sách cổ Bhagavata Purana của Ấn Độ, là bộ sử thi về chúa Vishnu (một trong 18 bộ đại sử thi của đạo Hindu), trong đó Vishnu đầu thai 10 kiếp, kiếp thứ 8 là dưới nhân dạng Krishna.
Một ngày, hỏa thần Agni nổi lửa đốt cánh rừng. Khi lửa tới gần, Krishna dặn mọi người nhắm mắt lại, rồi há miệng nuốt hết những ngọn lửa vào họng, vượt qua hiểm nguy. Bức họa vẽ hai thời khắc trong câu chuyện: Bên trái là Krishna nằm chợp mắt trong rừng cùng anh trai Balarama và bố nuôi Nanda, bên phải là Krishna nuốt lửa sau lời thỉnh cầu của vợ chồng những người chăn bò.
Ở đây, những ngọn lửa vây quanh các nhân vật như một vòng hoa rực rỡ, nhấn mạnh thêm cho sự quyền năng của Krisha đứng ở trung tâm bố cục, với làn da xanh nổi bật trên nền đám cháy đỏ. Dù lưỡi lửa liếm cả lên khung tranh, ta vẫn cảm nhận được sự an toàn của dân làng và những chú bò, thể hiện khát vọng kiểm soát được thiên tai.
3. Dã Thiêu Đồ (c. 1730s-1750s), Hoa Nham (1682-1756)
Tôi được chiêm ngưỡng bức họa tại Đài Bắc vài năm về trước, và lưu lại những ấn tượng sâu sắc cho đến hôm nay. Hoa Nham có biệt hiệu Tân La Sơn Nhân, tự là Thu Nhạc, là một nhà thư họa đời Thanh. Quê ông ở Phúc Kiến, sau ngũ tuần thì chuyển tới Dương Châu, và được nhiều nhà nghiên cứu liệt kê vào danh sách Dương Châu Bát quái, một nhóm thư họa gia để lại ảnh hưởng sâu sắc cho lứa họa sỹ hiện đại như Tề Bạch Thạch hay Từ Bi Hồng.
Bức tranh thể hiện rất rõ cái “quái” của Hoa Nham, vẽ muông thú trong đám cháy rừng, đề thêm bài thơ ngũ ngôn trong bộ Ly Cấu Tập của ông, tạm dịch:
Hổ lang vốn chẳng thuần
Bọn cáo lại mượn uy
Ta muốn tiêu diệt chúng
Nên phóng hỏa đốt rừng
Nhưng đốt cũng chẳng hết
Tâm nguyện rốt chẳng thành
Bọn vượn quá giảo hoạt
Vin cành đu như bay
Tuốt kiếm đành than thở
Âm u ta về đâu?
Như vậy, khác với bức Krishna, ở đây chính danh sỹ là người muốn phóng hỏa diệt trừ đủ loại gian tặc đầy rẫy trong xã hội, nhưng rốt không được toại lòng. Ta cũng nên nhớ, Dương Châu Bát quái đều là những kẻ có tài và chí, nhưng rời xa quan trường hoặc không được trọng dụng, quay về với thư-thi-họa chốn điền viên.
4. Cháy rừng (1849), Raden Saleh (1807-1880)
Raden Saleh được mệnh danh là cha đẻ của mỹ thuật hiện đại Indonesia. Ông được chính phủ thực dân Hà Lan gửi tới mẫu quốc để học hội họa, rồi với tài năng xuất sắc đã trở thành họa sỹ hoàng gia (court painter) của cả Hà Lan và Anh. “Cháy rừng” là bức khổ lớn nhất trong sự nghiệp họa sỹ, thể hiện rõ nét trường phái Lãng mạn và kỹ thuật sơn dầu phương Tây.
Ta hãy so sánh bút pháp này với “Dã Thiêu Đồ” để thấy những sự tương đồng và khác biệt xuyên văn hóa và địa lý. Cách họa sỹ dùng khổ tranh, bố cục, ánh sáng và mảng tối để khắc họa giây phút sinh tử của đám thú rừng đã đạt đến một trình độ thượng thừa. Ta không biết nguyên nhân đám cháy, nhưng khi đến gần để chiêm ngưỡng bức tranh, ta như cảm được hơi nóng, ngửi được mùi khói, và thấu hiểu được nỗi tuyệt vọng trong mắt đám thú rừng trước khi chúng quăng mình xuống vực. Dù được vẽ tại trời Âu, Raden Saleh vẫn nhớ rõ những con vật bản địa tại quê nhà Java – từ giống bò banteng (Bos javanicus) đến loài diều lửa (Haliastur indus).
5. Thứ Năm Đen Tối, 6 tháng Hai 1851 (1864), William Strutt (1825-1915)
Họa sỹ người Anh, chuyển tới sống tại Úc năm 1850, một năm trước đám cháy – một trong những đám cháy thảm khốc nhất lịch sử bang này, lấy đi 12 mạng người và 1 triệu mạng gia súc. Bố cục tranh dàn ngang theo chiều dài, với nửa trên hoàn toàn bị khói lửa áp đảo, đuổi dồn cả người, ngựa, gia súc, chim muông và xác chết xuống nửa dưới, dẫm đạp lên nhau mà thoát thân, như muốn vượt ra ngoài khung toan.
Trong nhật ký, họa sỹ viết: “Tôi sẽ không bao giờ quên được buổi sáng thứ Năm bỏng giẫy ấy […], mặt trời cả ngày đỏ rực như máu, mây nâu như gỗ gụ. Từ thị trấn, chúng tôi thấy những cột khói bốc lên từ phía đồng quê, và y như rằng, cứ chốc chốc lại có một người chạy tới báo tin dữ, trong một chuỗi hoảng loạn liên tiếp". Để lột tả được sự kinh hoàng này, họa sỹ chọn khổ tranh lớn, tương tự như Piero di Cosimo và Raden Saleh ở trên.
6. Cháy rừng (1976), Roger Brown (1941-1997)
Roger Brown là một họa sỹ hiện đại người Mỹ trong nhóm Siêu thực Chicago Imagists, được biết đến với những tác phẩm mang đề tài chính trị cao và phong cách mang tính hình học đặc trưng, với “Cháy rừng” là một ví dụ tiêu biểu.
Bức tranh được bố cục như một sân khấu kịch tính, dù không kể một tuyến nội dung hoàn chỉnh. Những tán cây tròn lặp lại một cách tuyến tính, với ba hình thù bí ẩn núp trên ngọn cây, với các động tác khác nhau, đang giương súng nhắm bắn hoặc khuơ tay, như thể đang ra dấu hiệu sống còn cảnh báo cho người đi đường về hiểm nguy trước mặt. Trên xa lộ cắt ngang, xe tải, ô tô và xe buýt nối đuôi nhau bon bon, với hành khách dường như không để ý tới lời cảnh báo kia. Đưa mắt theo luồng giao thông, ta nhận ra họ đang đi về hướng đám cháy, thể hiện bằng cột khói bốc lên ngun ngút, che kín một tầng trời.
Có phải đám cháy được gây ra bởi cây súng người nọ đang cầm trên tay? Với nguyên nhân và hậu quả vô định, họa sỹ đặt ra câu hỏi hiện sinh cho nhân loại trong cuộc sống hiện đại – liệu có phải chính chúng ta đã gây ra kết cục cho chính mình?
Trong những bấn loạn xử lý khủng hoảng đại dịch hiện nay, có lẽ chúng ta cũng cần những giây phút định thần lại và tự vấn về cách ta sinh hoạt và tương tác với thiên nhiên và với nhau. Trái Đất đã tồn tại từ những ngày sơ khai trong truyền thuyết Hy Lạp hay Hindu, và con người chỉ là một phần rất nhỏ trong thế giới tự nhiên. Sau những diệt vong, Trái Đất sẽ vẫn tồn tại và thiên nhiên sẽ vẫn tái sinh, có hay không có loài người. Nguy hiểm nhất và khó dập tắt nhất không phải là ngọn lửa thiên tai, mà là ngọn lửa tham lam, kiêu căng khi loài người muốn chinh phục, khai thác tất cả.
Ace Lê