Thứ bảy, 23/11/2024 01:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/06/2020 06:30 (GMT+7)

Rác thải hậu Covid-19 'đe dọa' cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần

Theo dõi KTMT trên

Trong khi thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19 thì một vấn nạn khác cũng đã và đang trở thành thách thức nghiêm trọng đó là rác thải nguy hại tràn ngập ở nhiều nơi.

Rác thải hậu Covid-19 'đe dọa' cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần - Ảnh 1
Một người phụ nữ đeo khẩu trang kéo xe chở đầy lon nhựa tái chế tren đường phố ở Hạ Manhattan tháng 4/2020. (Ảnh: CNN)

Thống kê của Bộ Môi trường Trung Quốc cho thấy, trong thời kỳ dịch Covid-19 đạt đỉnh ở Vũ Hán, nơi khởi phát virus SARS-CoV-2, lượng rác thải y tế trung bình một ngày lên đến 240 tấn, gấp 6 lần mức bình thường. Trong khi đó, năng lực xử lý rác thải tại Vũ Hán chỉ đạt 49 tấn/ngày, bằng khoảng 1/5 lượng rác thải y tế cần xử lý.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính có thêm 280 tấn rác thải y tế được thải ra mỗi ngày ở thủ đô Manila - Philippines. Con số này tại thủ đô Jakarta - Indonesia là 212 tấn. Điều đáng lo, theo ADB, là không có nhiều nước đủ năng lực xử lý lượng rác thải y tế tăng thêm này.

Bên cạnh rác thải y tế, các chuyên gia môi trường cũng lo ngại rằng đại dịch Covid-19 đã kích hoạt nhu cầu bao bì nhựa, đồng thời thúc đẩy việc gia tăng sản lượng các mặt hàng sử dụng một lần như khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ kít xét nghiệm mà ở đó nhựa plastic là thành phần chủ chốt. Thực tế này đã xóa sạch nỗ lực nhiều năm gần đây của các chính phủ và những nhà hoạt động môi trường trong việc khuyến khích người tiêu dùng không tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần, cắt giảm khí độc hại thải ra từ các lò đốt rác.

Tại Mỹ, dịch Covid-19 đã khiến cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần bị lãng quên. Những lo ngại của người dân trước sự lây lan của đại dịch đã khiến các nhà bán lẻ đảo ngược các nỗ lực bảo vệ môi trường. Tập đoàn Target và Trader Joe’s là một trong nhiều nhà bán lẻ không cho phép khách mua hàng mang theo túi tái sử dụng. Trong khi tập đoàn Starbucks đã dừng việc cho phép khách hàng sử dụng cốc dùng nhiều lần vì lo sợ lây nhiễm.

Rác thải hậu Covid-19 'đe dọa' cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần - Ảnh 2
Do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Starbucks cấm sử dụng cốc dùng nhiều lần.

Bộ An ninh nội địa Mỹ đã yêu cầu tăng việc sản xuất nhựa sử dụng một lần, New York cùng nhiều bang khác thì tạm hoãn luật cấm sử dụng túi nilon trong mùa dịch.

Lãnh đạo một số công ty nhựa ở Mỹ trấn an rằng xu hướng dùng nhựa sử dụng một lần sẽ kết thúc khi giá dầu lên cao và dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, nhiều nhà bảo vệ môi trường tin rằng điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu Covid-19 làm suy thoái kinh tế.

"Khi thu nhập của người ta bị ảnh hưởng, họ sẽ chẳng còn nghĩ gì nhiều tới chuyện bảo vệ môi trường. Lúc đó mọi người sẽ quay lại thói quen xấu cũ, bao gồm cả chuyện sử dụng đồ nhựa dùng một lần" - một nhà bảo vệ môi trường than thở.

Quy định đóng cửa được áp dụng tại nhiều thành phố cũng cản trở nỗ lực tái xử lý rác thải đô thị thông thường, buộc giới chức chính quyền phải dựa vào các lò đốt vốn đã quá tải. “Đốt có lẽ là giải pháp tức thời để xử lý lượng rác thải y tế tăng nhanh. Nhưng đó không phải là giải pháp tốt nhất. Chất lượng không khí và những hệ quả về sức khỏe là điều chúng ta cần quan tâm”, ông Shardul Agrawala, chuyên gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo.

Hệ quả là, ở nhiều quốc gia, rác thải y tế như khẩu trang qua sử dụng được được chôn cùng rác thải hỗn hợp, hoặc đơn giản bị ném ra biển, vứt dọc bờ biển.

Rác thải hậu Covid-19 'đe dọa' cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần - Ảnh 3
Nhà hoạt động môi trường Gary Stokes đã thu thập hàng chục chiếc khẩu trang y tế bị vứt bỏ từ một bãi biển của Hong Kong vào tháng 2. (Ảnh: OceansAsia)

Tổ chức phi lợi nhuận của Pháp Opération Mer Propre cuối tháng trước đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm khi đại dịch Covid-19 khiến ô nhiễm đại dương gia tăng. Các thợ lặn đã tìm thấy rác từ đại dịch Covid-19, đó là hàng chục găng tay, khẩu trang và chai thuốc khử trùng, trộn lẫn với những chiếc cốc và lon nhôm dùng một lần dưới biển Địa Trung Hải. Họ lo ngại rác rác thải y tế có thể đe dọa các sinh vật biển.

Khẩu trang dùng một lần được làm từ polystyrene – một loại nhựa. Sẽ mất tới 400 năm để một khẩu trang có thể phân hủy. Chúng hiện đang trôi nổi và có thể dễ dàng bị nuốt bởi một động vật.

Theo các chuyên gia của OECD, việc bùng nổ rác thải nhựa là vấn đề khẩn cấp mà chính phủ các nước cần quan tâm khi lên kế hoạch phục hồi kinh tế. Bởi nếu không giải quyết nhanh và hiệu quả vấn đề này, các thành quả đạt được suốt nhiều thập kỉ qua trong cuộc chiến toàn cầu chống ô nhiễm rác thải nhựa sẽ có thể bị xóa sạch.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Rác thải hậu Covid-19 'đe dọa' cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới