Thứ sáu, 26/04/2024 16:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/06/2022 19:55 (GMT+7)

Rác sẽ trở thành tài nguyên quý giá

Theo dõi KTMT trên

Nếu không muốn rác bị vứt, bị xả bừa bãi ra đường phố, kênh rạch, phải biến rác thành nguyên liệu có giá trị thông qua việc đẩy mạnh tái chế.

Ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp là hiện hữu

Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn. Trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày.

Rác sẽ trở thành tài nguyên quý giá - Ảnh 1
Trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. (Ảnh minh họa)

Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải. Chưa kể lượng rác thải nông nghiệp từ cây trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản... đều là tài nguyên.

Nguồn thải lớn nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, nếu không muốn rác bị vứt, bị xả bừa bãi ra đường phố, kênh rạch, phải biến rác thành nguyên liệu có giá trị thông qua việc đẩy mạnh tái chế. Khi người dân nhận thức được rác không phải để vứt đi mà đó là một nguồn lợi, họ cũng sẽ thay đổi cách ứng xử với rác. 

Cũng theo TS. Phùng Chí Sỹ, ở nhiều quốc gia, mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm, tái chế sản phẩm.

Trong Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà khẳng định, “một lần nữa “Chỉ một Trái đất” với phương châm trọng tâm “sống bền vững hài hòa với thiên nhiên” tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2022”.

Thông điệp này cùng với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học đã phát đi mệnh lệnh khẩn cấp để các quốc gia phải quyết tâm hành động và mỗi người chúng ta không được quên rằng chỉ có duy nhất một “Ngôi nhà tự nhiên” chung cho muôn loài trong cả vũ trụ với hàng tỷ ngân hà và hàng tỷ hành tinh. Cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo ông Ngô Quốc Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam, quá trình hiện đại hoá, đô thị hoá tại Việt Nam đã làm cho lượng chất thải phát sinh khổng lồ, đặc biệt tại các đô thị và khu công nghiệp. Đáng nói, mỗi năm, lượng chất thải phát sinh lại tăng lên không ngừng.

Theo ước tính của Bộ TN&MT, lượng chất thải nguy hại đã phát sinh mỗi năm khoảng 875.000 tấn (chiếm tỉ lệ từ 20-30% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp)… Trên thực tế, lượng phát sinh chất thải có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Đây là một thách thức rất lớn trong công tác xử lý chất thải nói riêng, và công tác bảo vệ môi trường trên toàn quốc nói chung. Là trách nhiệm chung không chỉ của các Bộ ngành, mà còn là thách thức của nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong công tác xử lý chất thải", ông Khánh cho biết.

Mới đây, trong chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề rác thải luôn là vấn đề cử tri quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước vấn đề đó, về các chính sách, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như các văn bản như Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật sẽ từng bước giải quyết những tồn tại đó trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, vấn đề khó khăn nhất là thu gom, cần sự vào cuộc của tất cả các hệ thống từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Trước đây, việc xử lý rác thải, chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với quan điểm rác thải phải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng, do đó, trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ đánh giá lại toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải, công bố các công nghệ phù hợp với từng địa phương đảm bảo đồng bộ về phương pháp thu gom, phân loại, xử lý.

Do đó, địa phương sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp với mình, nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc này, tuy nhiên về lâu dài cần phải xã hội hóa vấn đề này để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Cùng với luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được đánh giá dựa trên khối lượng chất thải được phân loại. Vì thế, càng xả nhiều rác, người dân sẽ càng phải đóng nhiều tiền hơn. Đồng thời, người dân có thể bị từ chối thu gom, vận chuyển rác nếu không phân loại rác thải sinh hoạt theo đúng quy định. Chính sách này sẽ góp phần tác động trực tiếp đến việc hạn chế tình trạng lãng phí rác, cũng như giúp người dân chủ động nâng cao ý thức ngay từ khâu phân loại rác tại nguồn.

Trao đổi vấn đề này với báo chí, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển, cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện bền bỉ, lâu dài và trở thành thói quen tốt trong đời sống của mỗi người dân thì các biện pháp phải tiến hành đồng bộ, thay vì "đánh trống bỏ dùi".

Muốn rác tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác phải quyết liệt phân loại rác từ nguồn. Điều đó đồng nghĩa với việc, rác phải được phân chia ngay từ hộ gia đình, từ mỗi cá nhân, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn. Tiếp đó, phải đồng bộ với khâu trung gian, khâu xử lý mới từng bước tạo được những chuyển biến rõ nét.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Rác sẽ trở thành tài nguyên quý giá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới