Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà trong giao dịch đất đai
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thủ tướng cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó chúng ta phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề "nóng" phải tiếp tục từng bước giải quyết.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đây là một trong 3 đột phá chiến lược, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường, phải rà soát, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.
Được biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp và Kỳ họp thứ 5 là lần thứ 2 Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật này.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh hiệu quả. Các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu, có thể thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng.
Cùng với đó, rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật này với các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, không để có khoảng trống pháp lý và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 18 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, gồm 15 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình 2023 và 2 dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án trọng tâm trong nhiệm vụ lập pháp của toàn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân.
Nhiều góp ý đề xuất
Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những nội dung được quan tâm là việc đảm bảo quyền lợi cho người dân khi địa phương, cơ quan Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình xây dựng hay phục vụ cho các hoạt động, mục đích khác.
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, trong Luật Đất đai ở những lần sửa đổi trước, quyền lợi của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng, chưa được đảm bảo khi địa phương, các cơ quan của Nhà nước tiến hành thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Vì vậy, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đều chú trọng đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân khi cơ quan Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng với tiêu chí là chỗ ở của người dân tại nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Do đó, việc doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để thực hiện các dự án cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Vì thế, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải khẳng định quyền sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước nên Nhà nước cần phải đứng ra giải phóng mặt bằng để bảo đảm cho người dân có quyền lợi.
Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng cần sớm có bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn đại biểu tỉnh Nam Định) cho rằng, cần sớm có bảng giá đất, bởi nếu đến năm 2025 mới có thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay, khi thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Cũng liên quan đến giá đất, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất vì đây là vấn đề khó, phức tạp để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường. Đại biểu cơ bản đồng tình với các nguyên tắc xác định trong luật song vẫn còn có những băn khoăn.
"Nếu chúng ta coi “Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực” là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất thì khó có thể có thông tin đầu vào chính xác, bảo đảm nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường", nữ đại biểu nói.
Lan Anh