Hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 1/4
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT đôn đốc việc gửi báo cáo theo đúng kế hoạch, báo cáo Thủ tướng các trường hợp chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến. Đồng thời, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4/2023.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 164/CĐ-TTg ngày 18/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4/2023.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo theo đúng kế hoạch, báo cáo Thủ tướng các trường hợp chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến. Tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân để xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng; thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhân sỹ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân.
Cũng tại Công điện nói trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong thời gian tới, việc lấy ý kiến Nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua. Chính phủ mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18- NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó là tạo lập cơ sở pháp lý cho quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất tài nguyên, nguồn lực đất đai. Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh….
Tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức và nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm và góp ý nhiều nhất cho dự thảo luật là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi lâu nay, công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém, chậm trễ, tùy tiện thay đổi, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
"Cần phải có quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác, chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được duyệt. Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích thì phải thu hồi lại đất và đấu giá", GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương bỏ quy định về khung giá đất. "Điều 154 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm, đây là nội dung hợp lý vì giá đất trên thị trường hiện nay luôn có sự biến động không ngừng", ông Đào Ngọc Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, đánh giá.
Theo các chuyên gia, việc bỏ khung giá đất là điểm đổi mới căn bản nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý đất theo hành chính áp đặt sang xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường. Nếu việc xác định được giá đất bằng 80% thị trường là đúng. Nhưng quan trọng hơn, phải xác định được đúng bản chất. Nhà nước cần hướng xác định giá trị và bảng giá đất phản ánh kịp thời giá trị đất. Khi có yếu tố làm thay đổi giá trị như quy hoạch đất đai, thay đổi mục đích sử dụng, vùng phát triển thì bảng giá phải thay đổi theo. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng và có những điều chỉnh phù hợp.
Lan Anh