Thứ tư, 04/12/2024 09:38 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/03/2023 10:50 (GMT+7)

5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai

Theo dõi KTMT trên

Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ V BCH TW Đảng khóa XIII với mục tiêu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Theo đó, Nghị quyết đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Cụ thể:

Một là, tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai cho cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai - Ảnh 1
Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thực hiện thí điểm, tổng kết và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; rà soát, sửa đổi đồng bộ các Luật khác có liên quan đến đất đai; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), một số dự án Luật có liên quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) trong năm 2023 với hướng đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành, các cấp tại địa phương, thực hiện phương châm giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên trung ương.

Năm là, tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

 Nghị quyết số 37/NQ-CP nhằm mục tiêu tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đạt hiệu quả cao nhất, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Trước đó, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai trên cả nước, Bộ TN&MT đã đề nghị 30 tỉnh, thành phố thực hiện dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG) gấp rút triển khai, hoàn thành tiến độ trước tháng 6/2023.

Đến nay, dự án VILG đã hoàn thành kết nối vận hành cơ sở dữ liệu đất đai gia tại 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, có 19 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ vận hành cơ sở dữ liệu đất tại các huyện tham gia dự án; ngoài ra có 40 quận, huyện thuộc 6 tỉnh, thành phố ngoài dự án tham gia kết nối.

Trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của dự án phải tập trung nỗ lực để hoàn thành dự án theo đúng cam kết, đạt được các mục tiêu đã đề ra, góp phần vào công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới