Quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc phát triển theo hướng đô thị sinh thái chất lượng cao
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 11/11/2022 về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc (tỉnh Long An) đến năm 2045.
Cần Giuộc là một trong những huyện thuộc vùng hạ, phía Đông Nam của tỉnh Long An, Việt Nam; nằm trong vành đai vòng ngoài của vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và được xem là cửa ngõ của TP. HCM.
Bên cạnh đó, huyện còn sở hữu các tuyến đường giao thông huyết mạch như: tuyến đường Tỉnh lộ 830E (Vành đai 4) kết nối Cảng Hiệp Phước (TP. HCM) với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cắt qua và tuyến đường Tân Tập - Long Hậu chạy dọc theo ranh giới phía Đông đang dần được hình thành.
Với những lợi thế này, UBND tỉnh Long An đã tận dụng phát huy triệt để trong công tác Quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc, trong tương lai đây sẽ là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Dựa theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc, tỉnh Long An sẽ là toàn bộ địa giới hành chính huyện Cần Giuộc, bao gồm: thị trấn Cần Giuộc và 14 xã (Phước Lý, Phước Hậu, Mỹ Lộc, Long Thượng, Phước Lâm, Thuận Thành, Long An, Long Hậu, Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, Long Phụng, Phước Vĩnh Đông, Đông Thạnh, Tân Tập). Tổng diện tích tự nhiên của khu vực này theo báo cáo của UBND tỉnh Long An là rơi vào khoảng 215,1 km².
Dự kiến trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển khu đô thị Cần Giuộc theo hướng đô thị sinh thái, có chất lượng môi trường cao và bền vững.
Về tính chất, đô thị Cần Giuộc được đánh giá là đô thị trọng điểm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số cho khu vực TP. HCM; là đô thị động lực chính yếu để phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực phía Đông và toàn tỉnh Long An.
Đồng thời, đô thị Cần Giuộc hứa hẹn còn là trung tâm công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, nông nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh Long An, trong đó công nghiệp - đô thị, dịch vụ cảng đóng vai trò quan trọng; là đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ và có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng tại cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Long An.
Chính vì thế, theo Quyết định do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký kết, yêu cầu trọng tâm đặt ra đối với quy hoạch chung lần này là phải phân tích, đánh giá thực trạng và các quy hoạch, chương trình, dự án đang được triển khai.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện phải đặc biệt chú trọng phân tích các tiền đề, động lực phát triển; dự báo phát triển theo các giai đoạn quy hoạch, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và hài hòa với yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững.
Thực hiện phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu cấu trúc đô thị, đề xuất định hướng phát triển không gian, dự kiến khu vực nội thị, ngoại thị; tổ chức hệ thống trung tâm, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ cảng, du lịch, bảo vệ di tích và môi trường sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ đó, đưa ra đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý phát triển theo quy hoạch, tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng đô thị vùng sông nước, hình thành bản sắc riêng cho đô thị Cần Giuộc trên nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên.
Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện. Lựa chọn kỹ lưỡng các chương trình và các dự án chiến lược cần đặt ưu tiên đầu tư đảm bảo có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Cần Giuộc.
Mai Anh