Long An: Tập trung nguồn lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tỉnh Long An đang tập trung nhiều nguồn lực để tạo điều kiện phát triển cho các vùng rau ứng dụng công nghệ cao.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trong năm 2022, tỉnh Long An phấn đấu xây dựng 2 mô hình điểm về rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2ha, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích 1.772ha.
Xác định rõ việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao… đặc biệt, vấn đề đảm bảo đầu ra cho sản phẩm là điều rất quan trọng. Vì vậy, song song với việc mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác… tỉnh Long An đã có những chương trình, chính sách tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện nay, Huyện Cần Đước và huyện Cần Giuộc là địa bàn trọng điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây rau tại tỉnh Long An. Do đó, để giúp 2 địa phương này thực hiện tốt Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tích cực xây dựng các mô hình điểm, mô hình nhân rộng ứng dụng công nghệ cao trên cây rau giai đoạn 2021-2025; đồng thời, duy trì các mô hình đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Chi cục đã phối hợp các địa phương chọn Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Việt (huyện Cần Đước) và HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Tiến (huyện Cần Giuộc) thực hiện 2 mô hình điểm với tổng diện tích 2ha. Song song đó, chọn HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước), HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Phước Điền (huyện Cần Giuộc) và HTX Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) để thực hiện các mô hình nhân rộng.
Cùng với đó, các HTX khi tham gia thực hiện mô hình điểm hay mô hình nhân rộng sẽ được hỗ trợ về phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới. Ngoài ra, Chi cục còn hỗ trợ kết nối với các đơn vị cung ứng vật tư và hỗ trợ các thủ tục hành chính cho HTX tham gia thực hiện mô hình.
Về vấn đề này, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Tiến (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Văn Mến cho biết: “Năm 2017, HTX được thành lập với 14 thành viên sản xuất 5ha. Sau khi thành lập, HTX vừa phát huy tiềm năng sẵn có, vừa tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để hoạt động ngày càng hiệu quả, với quyết tâm tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Đến nay, HTX có 70% diện tích ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; 100% thành viên đều ghi nhật ký đồng ruộng; 100% thành viên được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là góp phần thay đổi nhận thức của nông dân từ trồng rau theo phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao”.
Anh Nguyễn Minh Tâm – thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phước Tiến cho biết, trước đây, với 1.000m2 trồng rau, gia đình phải mất hàng giờ để tưới nước, bón phân thì nay chỉ cần một thao tác là bật cầu dao, vườn rau sẽ được tưới nước tự động từ hệ thống tưới tiết kiệm do ngành Nông nghiệp hỗ trợ. Điều này giúp giảm được công chăm sóc, tiết kiệm chi phí sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Gia đình cũng muốn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nhưng không có vốn. Nay được ngành Nông nghiệp hỗ trợ, chúng tôi mừng lắm vì có thêm thời gian để làm công việc khác, góp phần tăng thu nhập cho gia đình” – anh Tâm chia sẻ.
Ngoài việc hỗ trợ bằng những chương trình, chính sách thì việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các cống đầu mối điều tiết nước, xổ xả nước ô nhiễm nội đồng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao trên địa bàn huyện, bảo vệ các công trình thủy lợi, chống triều cường và xâm nhập mặn.
“Những năm gần đây, hệ thống giao thông, thủy lợi của địa phương được nâng cấp, người dân có thể đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Nguồn nước phục vụ sản xuất cũng được bảo đảm. Nông dân rất phấn khởi, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới tự động để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn”, ông Đặng Văn Tổng – người dân tại huyện Cần Giuộc chia sẻ.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khê (huyện Cần Đước) - Nguyễn Thị Nhỉ chia sẻ: “Để phục vụ nhu cầu sản xuất, buôn bán, vận chuyển nông sản của người dân, UBND xã đã đầu tư, mở rộng hầu hết tuyến đường liên ấp, liên xã lên 4m. Đồng thời, các công trình thủy lợi nội đồng cũng được xã quan tâm đầu tư, nạo vét hàng năm. Từ đó, nhiều hộ dân mạnh dạn mở rộng sản xuất, đặc biệt là phát triển các diện tích rau ứng dụng công nghệ cao”.
Những kết quả tích cực trên cho thấy, việc có những chương trình, chính sách hỗ trợ kết hợp với đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, thời gian tới, để mở rộng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao, Sở tiếp tục phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Ngoài ra, Sở sẽ kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rau tại địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An thông tin, khi tham gia chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, lúa, chanh, thanh long và con bò, tôm, nông dân hưởng nhiều lợi ích như được hỗ trợ vốn xây dựng mô hình; ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác; lợi nhuận tăng trên cùng diện tích canh tác;... Qua đó, giúp nhiều địa phương thành lập được tổ hợp tác, Hợp tác xã, xây dựng được các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc để các địa phương về đích xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Thanh Vũ