Hà Nội: Quy hoạch chất thải rắn thủ đô nhìn từ Quyết định QH609 của Chính phủ (Bài 2)
Ngày 25/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 609/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy sau 8 năm TP.Hà Nội đã triển khai, thực hiện QH đó như thế nào?
Mục tiêu của QH609
Sau kỳ đầu của loạt bài "Hà Nội: Ai sẽ giải bài toán rác thải sinh hoạt... "đình công?" Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục cùng các chuyên gia kinh tế, môi trường đầu ngành đi sâu vào phân tích từng khía cạnh cũng như những góc khuất của thực trạng này.
Khi Quyết định Quy hoạch 609 (QH609) của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 được phê duyệt với quan điểm rõ ràng là nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải rắn tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp; đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của thành phố theo từng giai đoạn.
Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn. Việc thu gom, xử lý phải ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp. Hạn chế việc chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được thu gom vận chuyển và xử lý theo quy định đảm bảo không phát tán ra môi trường.
Cùng với mục tiêu cụ thể dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, nhu cầu xử lý chất thải rắn, xác định các hình thức thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn; xác định vị trí quy mô các trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP.Hà Nội. Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển, các trạm trung chuyển, các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Cũng theo dự báo của QH609, năm 2020 TP.Hà Nội, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.500 tấn/ngày đêm; năm 2030 khoảng 11.300 tấn; năm 2050 khoảng 15.900 tấn.
Từ đó đưa ra phương án nhằm thu gom và xử lý chất thải rắn đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường góp phần giảm thiểu tác động có hại của chất thải rắn đối với môi trường; Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn và áp dụng các công nghệ phù hợp để xử lý triệt để chất thải rắn; hạn chế, xóa bỏ các điểm tập kết và các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải tạo môi trường cho Thủ đô Hà Nội; Góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư và sự phát triển bền vững của các đô thị, các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó kinh phí xây dựng đến năm 2020 khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo như Quyết định này có 17 khu xử lý chất thải rắn được chia ra làm 3 vùng: Vùng I - Khu vực phía Bắc (5 khu xử lý): Bao gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì), các huyện (Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn), diện tích khoảng 1.150 km2;
Vùng II - Khu vực phía Nam (6 khu xử lý): Bao gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện (Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức), diện tích khoảng 990,0 km2; Vùng III Khu vực phía Tây (6 khu xử lý): Bao gồm một phần quận Hà Đông, các huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ), nội và ngoại thị xã Sơn Tây, diện tích khoảng 1.204,6 km2.
Và 8 năm sau khi có Quyết định....
Tuy nhiên sau 8 năm triển khai Quyết định QH609 của Thủ tướng Chính phủ dường như các định hướng, mục tiêu của quy hoạch đã không đạt được, khiến cho việc thu gom, xử lỷ chất thải rắn sinh hoạt tại thủ đô trong những năm gần đây có nhiều bất ổn, dễ dẫn đến tình trạng chất thải “đình công”.
Cụ thể theo văn bản số 2025/STNMT-CCBVMT ngày 05/4/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP.Hà Nội về việc báo cáo thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô.
Theo kết quả rà soát hiện tại vùng I (phía Bắc) khu xử lý Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đã đầy và dừng tiếp nhận từ năm 2017, Khu xử lý Việt Hùng (Đông Anh) công suất 500 tấn/ngày đã đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động; Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng (Gia Lâm) công suất khoảng 1.200 tấn/ngày đêm đang thực hiện giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư.
Khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) xử lý bùn bể phốt đang hoạt động 180 tấn/ngày đêm và xử lý chất thải y tế 15 tấn/ngày đêm. Riêng khu LHXLCT Nam Sơn (Sóc Sơn) đang xử lý khoảng 5.000-5.500 tấn/ngày đêm (chiếm 80% tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt toàn thành phố và chủ yếu là chôn lấp). Dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn vừa mới đi vào hoạt động với công suất ban đầu dự kiến trên 1000 tấn/ngày đêm nhưng cũng phát sinh nhiều bất cập, hạn chế.
Vùng III các khu xử lý Đồng Ké, Núi Thoong, Đan Phượng, Lại Thượng, Tây Đằng do vướng mắc hiện chưa đi vào hoạt động chỉ có khu Xuân Sơn đang hoạt động chủ yếu là chôn lấp khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Đã triển khai nhà máy điện rác Seraphin công suất khoảng 1.500 tấn/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2022.
Vùng II theo quy hoạch khu xử lý Châu Can (Phú Xuyên) đã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại quyết định số 4063/QĐ-UBND ngày 29/10/2020 quy mô 23,7ha (trong đó có 4,85 ha dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt do công ty CP dịch vụ môi trường Thăng Long triển khai), công suất dự kiến 1000 tấn/ngày đêm. 05 khu xử lý Cao Dương (Thanh Oai). Hợp Thành, Mỹ Thành (Mỹ Đức); Vân Đình, Đông Lỗ (Ứng Hòa) có diện tích và công suất quy hoạch nhỏ từ 200-400 tấn/ngày. Tuy nhiên đến nay không có khu nào hoạt động.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại QH609 chỉ có 2/17 khu vực theo QH609 là đang hoạt động đó là khu LHXLCT Nam Sơn (Sóc Sơn) chiếm đến 80% lượng rác thải của Hà Nội và Xuân Sơn (Sơn Tây) công suất 1.500 tấn chiếm khoảng 20%. Sau 8 năm triển khai Quyết định QH609 của Thủ tướng Chính phủ, TP.Hà Nội vẫn chỉ đưa rác về tập kết và chôn lấp tại 2 núi rác Nam Sơn và Xuân Sơn.
Chiều 16/3/2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại Quốc hộị: Vấn đề rác thải luôn là vấn đề cử tri quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước vấn đề đó, về các chính sách, Luật BVMT 2020 cũng như các văn bản như Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật sẽ từng bước giải quyết những tồn tại đó trong thời gian tới.
Vấn đề khó khăn nhất là thu gom, cần sự vào cuộc của tất cả các hệ thống từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân.
Trước đây, việc xử lý rác thải, chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với quan điểm rác thải phải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng, do đó, trong năm 2022, Bộ TNMT sẽ đánh giá lại toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải, công bố các công nghệ phù hợp với từng địa phương đảm bảo đồng bộ về phương pháp thu gom, phân loại, xử lý. Do đó, địa phương sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp với mình, nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc này, tuy nhiên về lâu dài cần phải xã hội hóa vấn đề này để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Còn nữa....
Kiên Giang