Thứ bảy, 27/04/2024 02:24 (GMT+7)
Thứ hai, 29/08/2022 13:00 (GMT+7)

Hà Nội: Cầu mới chậm tiến độ và dấu hỏi về kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ? (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Dự án xây dựng cầu Chiếc mới được TP.Hà Nội phê duyệt trong 2 năm 2017-2018 nhưng đến nay cây cầu này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Ai chịu trách nhiệm?

Việc Cầu Chiếc mới chậm tiến độ khi kế hoạch hoàn thành năm 2018, nhưng đến nay (8/2022), 4 năm trôi qua vẫn chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, không hiểu sao đến năm 2019, dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ (cách dự án cầu mới đang triển khai 300m) lại được triển khai.

Từ 16/3/2019, cầu Chiếc cũ hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng, không hạn chế tải trọng đã giúp kết nối tuyến giao thông huyết mạch nối các quận huyện Thanh Oai, Hà Đông với Thường Tín, tuyến tập trung các loại xe có tải trọng lớn từ trung tâm, thông ra Quốc lộ 1A và cao tốc pháp Vân- Cầu Giẽ. Cây cầu này giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, tạo đà phát triển cho các địa phương cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, tăng tính kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giao thương trên địa bàn.

Hà Nội: Cầu mới chậm tiến độ và dấu hỏi về kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ? (Bài 2) - Ảnh 1
Cầu Chiếc cũ vẫn hoạt động bình thường, không hạn chế tải trọng.

Sau khi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Nhóm PV tiếp tục liên hệ với UBND huyện Thường Tín để làm rõ các nội dung liên quan đến phương án di dời, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân dự án cầu Chiếc mới chậm tiến độ, cũng như ai là chủ đầu tư, kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tản, Chánh Văn phòng UBND huyện đã phủ nhận ý kiến của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho rằng di dời, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của UBND huyện Thường Tín cũng như thực hiện dự án nâng cấp sửa chữa cầu do huyện làm chủ đầu tư.

Ông Tản nói: "Dự án cầu Chiếc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội mới là chủ đầu tư chứ không phải UBND huyện. Còn về giải phóng mặt bằng thì huyện là đơn vị phối hợp. Nó đang vướng mắc 6 hộ, huyện cũng phải xin ý kiến lên, ý kiến xuống với TP về vấn đề này. Còn sửa chữa cầu cũ cũng do thành phố làm, do Ban Giao thông làm huyện có được phép làm nó đâu.

Dự án có chồng dự án?

Năm 2016, ông Vũ Ngọc Hiểu, Chủ tịch UBND xã Hiền Giang thời điểm đó cũng từng chia sẻ với cơ quan báo chí: Qua nhiều lần kiến nghị, ngày 26/9/2016, xã Hiền Giang đã nhận được thông báo của Sở Kế hoạch – Kiến trúc Hà Nội về việc chấp thuận xây dựng cầu Chiếc mới trên địa bàn xã. Cầu Chiếc cũ, sẽ được sửa chữa lại làm cầu dân sinh, hạn chế tối đa lượng xe lớn, quá tải chạy qua cầu.

Hà Nội: Cầu mới chậm tiến độ và dấu hỏi về kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ? (Bài 2) - Ảnh 2
Cầu Chiếc mới chưa thông vì vướng mắc phương án di dời 6 hộ dân.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, cầu Chiếc mới thì chưa hoàn thành còn dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ do ai là Chủ đầu tư và kinh phí sửa chữa cầu này là bao nhiêu, các cơ quan vẫn không ai thừa nhận.

Nguyên nhân cầu Chiếc mới chậm tiến độ, mà theo ông Nguyễn Văn Tản, Chánh Văn phòng UBND huyện đưa ra có phần thiếu thuyết phục: "Chỉ còn chờ thành phố họp đưa ra giá đất là anh em triển khai. Từ ngày 1/6/2021, UBND huyện có tờ trình số 88 gửi UBND TP đề nghị xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tiền tái định cư cho các hộ để xây dựng cầu Chiếc mới".

Dự án được TP.Hà Nội phê duyệt từ năm 2016, lại được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ nhưng không hiểu lý do gì đến tận 2021, huyện Thường Tín mới có tờ trình gửi TP.Hà Nội xin xác định giá đất để làm cơ sở di dời, giải phóng mặt bằng.

Nội dung này được ông Nguyễn Đỗ Minh, cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự án cho rằng: Dự án không có báo cáo tiền khả thi hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật mà chỉ có quyết định của TP phê duyệt!?

Hà Nội: Cầu mới chậm tiến độ và dấu hỏi về kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ? (Bài 2) - Ảnh 3
Sau nhiều năm cầu Chiếc mới vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, việc dự án cầu Chiếc mới đang triển khai nhưng vẫn tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa cầu chiếc cũ (chỉ cách nhau 300m). Dự án chồng dự án này có gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước?

Mặt khác, cầu Chiếc cũ sau khi nâng cấp, sửa chữa được đưa vào hoạt động ổn định từ năm 2019, không hạn chế tải trọng điều này khiến dư luận đặt ra nhiều hoài nghi về tính khả thi của cầu Chiếc mới với số vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước lên đến trên 115 tỷ đồng. 

Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn LS TP.Hà Nội): Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, chủ đầu tư xây dựng là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện đầu tư xây dựng.

Cụ thể, đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì chủ đầu tư sẽ là cơ quan, tổ chức, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao. Còn đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư, chủ đầu tư sẽ là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực được thành lập theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng 2014 hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.

Dự án cầu Chiếc mới là dự án được Thành phố Hà Nội phê duyệt, thuộc trường hợp thứ hai nên chủ đầu tư có thể là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.

UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện có thẩm quyền trong việc thu hồi đất (Điều 66 Luật Đất đai 2013). Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thật khó hiểu khi cả Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và UBND huyện Thường Tín lại đùn đẩy trách nhiệm liên quan đến việc dự án cầu Chiếc mới chậm triển khai cho nhau. Liệu chăng đây là sự yếu kém về kiến thức chuyên môn hay các cấp, các đơn vị liên quan đang cố tình “phớt lờ” trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với dự án xây dựng này.

Đặc biệt, theo tinh thần từ thông báo của Sở Kế hoạch – Kiến trúc Hà Nội vào năm 2016, đã chấp thuận xây dựng cầu Chiếc mới và để cầu Chiếc cũ trở thành cầu dân sinh, hạn chế tối đa lượng xe tải trọng lớn chạy qua cầu. Vậy mà tới năm 2019, khi được sửa chữa xong thì cầu Chiếc cũ từ “hạn chế tối đa” thành “không hạn chế tải trọng”, ngoặt mình trở thành chiếc cầu kết nối giao thông huyết mạch tại cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.

(Còn nữa)

Long Giang - Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Cầu mới chậm tiến độ và dấu hỏi về kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc cũ? (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới