Thứ sáu, 22/11/2024 12:56 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/08/2022 15:01 (GMT+7)

Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm về cầu Chiếc trăm tỷ nhiều năm chậm tiến độ? (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Cầu Chiếc tại huyện Thường Tín với số vốn đầu tư gần 115 tỷ đồng, được phê duyệt từ năm 2016 (thời gian thi công 2017-2018). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành, không đem lại hiệu quả kinh tế.

Lời tòa soạn

Trên địa bàn TP.Hà Nội có những cây cầu được đầu tư trị giá cả trăm tỷ đồng như cầu Chiếc (huyện Thường Tín), cầu Xuân Cẩm (huyện Sóc Sơn)… với hy vọng kết nối giao thông thuận tiện, thúc đầy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai đến nay những dự án này vẫn chưa hoàn thành, không hiệu quả về mặt kinh tế, lãng phí ngân sách nhà nước, gây ô nhiễm môi trường tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn giao thông.

Để làm rõ vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, môi trường tìm hiểu thông tin, phân tích, đánh giá về nguyên nhân chủ quan và khách quan để có những giải pháp phù hợp để những cây cầu này sớm hoàn thiện, thực sự đem lại hiệu quả, thuận tiện cho người dân đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lãng phí ngân sách?

Theo phản ánh của người dân thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang (Thường Tín, TP.Hà Nội), dự án cầu Chiếc đã hoàn thành phần mặt cầu từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, làm ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống của bà con.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Đức Minh (SN 1968), người dân thôn Nhân Hiền cũng là gia đình nằm trong diện phải di dời để phục vụ dự án cầu Chiếc bức xúc: “Từ năm 2016, người dân chúng tôi đã nhận được quyết định thu hồi đất. Sau đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống kiểm kê tài sản để di dời nhưng đến nay đã 6 năm trôi qua mọi việc vẫn không có tiến triển gì. Chúng tôi luôn sống trong sự bất an, lo lắng vì đất đã nằm trong quy hoạch".

Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm về cầu Chiếc trăm tỷ nhiều năm chậm tiến độ? (Bài 1) - Ảnh 1
Người dân địa phương trao đổi với phóng viên.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Hoàng Văn Huân (SN1966) nói rằng, người dân hoàn toàn ủng hộ và đồng thuận với dự án, không thắc mắc, đòi hỏi gì. Chỉ có 6 hộ dân thuộc diện phải di dời nhưng chưa được thực hiện, trong khi dự án cầu Chiếc cả trăm tỷ đồng đã xây dựng xong từ lâu mà không thể đi vào hoạt động. Vậy đây có phải là lãng phí nguồn lực, Ngân sách nhà nước.

Theo quan sát của PV tại hiện trường, các hạng mục của cầu Chiếc gần như đã hoàn thiện, chỉ còn đầu cầu về phía tây huyện Thường Tín đi Thanh Oai, ngay trước UBND xã Hiền Giang là chưa thể hoàn thành do vướng mắc 6 hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa. Điều lạ là dự án không hề gặp phải việc phản đối của người dân thuộc diện phải giải tỏa, họ đều đồng thuận sẵn sàng di dời theo yêu cầu, để cây cầu sớm hoàn thiện và đi vào sử dụng theo đúng tiến độ.

Ai chịu trách nhiệm?

Trước tình trạng cầu Chiếc cũ xuống cấp nghiêm trọng, ngày 18/11/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6341/QĐ-UBND, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Chiếc mới (cách cầu cũ khoảng 300m), giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Đồng thời bố trí vốn để khởi công dự án trong 2 năm 2017-2018, với tổng mức đầu tư 115,544 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm về cầu Chiếc trăm tỷ nhiều năm chậm tiến độ? (Bài 1) - Ảnh 2
Các hạng mục của cây cầu đã hoàn thiện.

Tại khoản 11, điều 1 của quyết định trên nêu rõ: Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện theo quy định hiện hành. Cũng tại khoản 2 điều 2: Chịu trách nhiệm trước pháp luật về năng lực đơn vị, cá nhân tư vấn khảo sát, lập dự án; tính chuẩn xác (khối lượng, kinh phí) và tính hợp pháp các thông tin, số liệu, tài liệu gửi kèm hồ sơ dự án; sử dụng kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả. Như vậy, có thể thấy chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về dự án cầu Chiếc trước UBND TP.Hà Nội.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng quản lý dự án PPP, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi cũng đang cố gắng để dự án hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm nay. Bởi hết năm 2022, TP.Hà Nội sẽ không bố trí vốn cho dự án này nữa. Việc phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư được thể hiện trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án, cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự án sẽ cung cấp. Còn việc sửa chữa, nâng cấp cầu Chiếc cũ là dự án của huyện Thường Tín nên chúng tôi không nắm được kinh phí là bao nhiêu".

Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm về cầu Chiếc trăm tỷ nhiều năm chậm tiến độ? (Bài 1) - Ảnh 3
Để ngăn người và phương tiện lưu thông, một hàng tấm bê tông được giăng ngang mặt cầu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Minh, cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý dự án này lại khẳng định, dự án chỉ có quyết định của thành phố phê duyệt, không có báo cáo tiền khả thi hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật theo quy định. Việc di dời, giải phóng mặt bằng là của UBND huyện Thường Tín, chủ đầu tư chỉ là cơ quan phối hợp thực hiện.

Như vậy, việc dự án cầu Chiếc chậm đưa vào sử dụng đã nhiều năm qua khiến dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả thi của dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư, cán bộ, phòng ban được giao nhiệm vụ. Có dấu hiệu gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề này, trao đổi với Phóng viên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội): Dự án cầu Chiếc mới vẫn bỏ dở, chưa được thực hiện chỉ vì chưa có giá đất. Giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định giá theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 56 Luật Đất đai 2013. Và giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 hàng năm được sử dụng để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Dự án được phê duyệt từ 2017-2018 nhưng đến 01/6/2021, UBND huyện mới có tờ trình đề nghị UBND Thành phố xác định giá đất là không hợp lý, không đúng với quy định pháp luật đất đai.

Theo quy định tại khoản 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020, khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chỉ có nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng mới không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Các cơ quan chức năng, thanh tra cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ trường hợp này, không thể cứ mãi để xảy ra trường hợp phê duyệt “một đằng”, thực hiện “một nẻo”, trở thành tiền lệ xấu và gây lãng phí thời gian, nguồn nhân lực cũng như ngân sách Nhà nước.

Bài 2: Hà Nội - Ẩn số nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu Chiếc?

Long Giang - Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm về cầu Chiếc trăm tỷ nhiều năm chậm tiến độ? (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới