Thứ tư, 15/01/2025 16:12 (GMT+7)
Thứ hai, 14/03/2022 21:00 (GMT+7)

Quy định về quản lý F0 tại nhà có điểm gì mới?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 604 kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid- 19. Trong đó, quy định F0 có thể ra khỏi nơi cách ly nhưng phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

F0 điều trị tại nhà được ra khỏi nơi cách ly

Theo hướng dẫn mới ban hành, tiêu chí lâm sàng của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được bổ sung "Là người bệnh Covid-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc".

Hướng dẫn mới đặc biệt thay đổi về điều kiện cách ly: "Tạo không gian cách ly riêng. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ".

Ngoài ra, Hướng dẫn kèm Quyết định 604 bổ sung mục "Khai báo y tế" với F0 điều trị tại nhà.

Trong đó, F0 hoặc người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý F0 tại nhà... theo hướng dẫn của địa phương về: thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc Covid-19, đối tượng được quản lý tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà.

Trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà thu thập thông tin và lập danh sách người mắc Covid-19 quản lý tại nhà theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01. 

Quy định về quản lý F0 tại nhà có điểm gì mới? - Ảnh 1
Hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. (Ảnh minh họa)

Các vật dụng cần thiết với F0 điều trị tại nhà

- Nhiệt kế;

- Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có);

-  Khẩu trang y tế;

- Phương tiện vệ sinh tay;

- Vật dụng cá nhân cần thiết;

- Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

- Phương tiện liên lạc: Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).

Các hướng dẫn về "Theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19" hầu như không thay đổi so với các văn bản được ban hành trước đó (số 261 và số 528). Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung yêu cầu về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.

Theo đó, F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

- F0 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

- Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0.

- Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn

- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Thuốc điều trị tại nhà gia đình cần chuẩn bị khi có F0

- Thuốc hạ sốt: Paracetamol cho người lớn: viên 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày. Paracetamol cho trẻ em (tùy theo cân nặng và độ tuổi): gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, 325mg, 500mg, số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày.

- Dung dịch cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

- Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng): Thuốc từ thảo dược, hoặc thuốc giảm ho đơn thuần, hoặc thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin...., số lượng đủ dùng trong khoảng 5-7 ngày. Lưu ý chỉ định, chống chỉ định và các cảnh báo, thận trong khi sử dụng thuốc.

- Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.

- Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng trong 1- 2 tuần).

Loại bỏ ngay tâm lý chủ quan “ai cũng thành F0”

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì Covid-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0". Khi số ca Covid-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

"Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc Covid-19", ông Phu nhấn mạnh.

"Nước ta đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì "Zero Covid-19", Việt Nam nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro.

Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường", PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Thực tế, nhiều người chủ quan cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vaccine sẽ miễn nhiễm với Covid-19. Cùng với đó, hiện nay tỷ lệ F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ đang chiếm tỉ lệ cao. Đây chính là nguyên nhân khiến mọi người cho rằng Covid-19 không còn quá nguy hiểm nữa, từ đó buông xuôi, thả lỏng việc phòng dịch.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những ẩn họa khôn lường, cho cộng đồng và cho chính bản thân mỗi người. "Ví dụ như sẽ dẫn đến số lượng ca nhiễm lan nhanh trên diện rộng, virus sẽ có cơ hội nhân lên, nguy cơ xảy ra biến thể mới nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều lần", ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng nhận định trên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

"Dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Ngoài ra, vì số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus.

Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test Covid-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị", ông Nga nói.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quy định về quản lý F0 tại nhà có điểm gì mới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới