Không còn là đề xuất, Long An đã chính thức cho F0 đi làm
Với tinh thần mở cửa phục hồi sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Long An đã ban hành quy định tạm thời cho phép các trường hợp F0, F1 được đi làm.
F0 đi làm phải đáp ứng điều kiện
Ngày 9/3, UBND tỉnh Long An vừa ban hành văn bản mới về việc quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Quyết định này nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh có các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động được đến cơ quan làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi làm với tinh thần tự nguyện của và phải có sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị.
Theo rà soát của tỉnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đang trong tình trạng đang thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không thể hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định.
Các trường hợp cấp thiết về nguồn nhân lực lao động mà không tuyển dụng kịp thời, được phép sử dụng lao động của công ty đang là F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.
Việc sử dụng lực lượng lao động này phải được dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động, được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp và theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc cấp xã (khi được Trung tâm Y tế cấp huyện phân công).
F0, F1 khi đi làm có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Tất cả phải tuân theo theo hướng dẫn của trung tâm y tế cấp huyện hoặc cấp xã, tránh tiếp xúc người xung quanh để đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống Covid-19.
Ngoài ra, F0, F1 tham gia lao động phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình. Khi có bất thường cần phải báo ngay cho cơ quan y tế, đơn vị để xử trí kịp thời.
TP.HCM cũng "rục rịch" lên phương án
Cũng trong sáng nay (9/3), tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết số ca nhiễm mới tuần gần đây giảm dần, ca nặng ở mức thấp, ca tử vong ở mức thấp nhất ổn định suốt nhiều tuần qua, cho thấy các biện pháp kiềm chế đã phát huy hiệu quả, trong đó có sự chung tay của người dân. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị ngành y tế tiếp tục tập trung chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo khảo sát của Sở Y tế, kết quả giải trình tự gen bước đầu nhận thấy chủng Omicron trên địa bàn có 64% là biến thể BA.2 và 24% BA.1. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế tiếp tục giám sát biến chủng Omicron dòng BA.2 có khả năng tàng hình để cảnh báo và có biện pháp phù hợp dựa trên ý kiến cơ quan chức năng là Bộ Y tế, WHO.
Ông Phan Văn Mãi nói thêm, đối với các cơ quan, đơn vị có F0 không triệu chứng, không có vấn đề sức khỏe và tự nguyện thì vẫn duy trì cách làm việc phù hợp. Bởi trên thực tế, nhiều cơ quan có 30 - 50 F0, cách ly 7 - 10 ngày, thậm chí 2 tuần thì rất bị động công việc.
“Trường hợp không có triệu chứng gì, vẫn duy trì làm việc trong thời gian cách ly với khối lượng, thời gian phù hợp thì cần tính toán để đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và kể cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Mãi gợi mở.
F0 đi làm là phù hợp với tình hình hiện tại
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đề xuất này là hợp lý, tuy nhiên "nới lỏng nhưng không thả lỏng", chuyển từ "cấm đoán" sang "kiểm soát rủi ro".
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tuân thủ 5K. Từ đó, hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngoài ra, các F0, F1 cần tăng cường theo dõi sức khỏe. Nếu xuất hiện triệu chứng, họ cần thực hiện xét nghiệm ngay để có các biện pháp cách ly, điều trị phù hợp.
"Với một cơ quan, đơn vị, xí nghiệp cần có phương án, kịch bản như người nào giữ vị trí trọng yếu, người nào ở bộ phận nào được sắp xếp cho hợp lý để vừa có nhân lực phục vụ sản xuất, vừa vẫn phải phòng chống được dịch bệnh", ông Phu khuyến cáo nếu các cơ quan, xí nghiệp, địa phương không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cả công ty thành F0, không còn ai đi làm.
Theo ông Phu, hiện nay chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đang chiếm ưu thế, dần thay thế chủng Delta nên số ca mắc tăng cao thời gian qua. Chủng này tuy triệu chứng nhẹ, nhưng ông khuyến cáo phải hạn chế sự lây lan nếu không dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế, nhiều người tử vong và diễn biến nặng.
"Chấp nhận cho sự lây lan nhưng phải kiểm soát được", ông Phu nhấn mạnh. Hà Nội hiện là địa phương "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm khi ngày 6/3 ghi nhận gần 30.000 ca. Theo báo cáo của thành phố, chủng Omicron đã xuất hiện tại 20/30 quận huyện của Hà Nội. Ông Phu nhận định, thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, nhưng cần có giải pháp hạn chế sự bùng phát mạnh.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.
Về vấn đề này, ông Phu cho hay, Việt Nam nên tiến tới xem Covid-19 là "bệnh lưu hành", nhưng thời điểm này thì chưa nên. Theo ông, còn nhiều yếu tố Việt Nam chưa đạt để xem Covid-19 là bệnh lưu hành, như việc lây nhiễm không ổn định, biến chủng, có thể bùng phát không kiểm soát được, quá tải hệ thống y tế làm ảnh hưởng đến xã hội. Xã hội vẫn phải sử dụng những biện pháp để đáp ứng hơn mức bình thường so với các bệnh truyền nhiễm khác.
Hà Lan (T/h)