Thứ năm, 25/04/2024 21:28 (GMT+7)
Thứ hai, 01/03/2021 13:43 (GMT+7)

Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên

Theo dõi KTMT trên

Nhắc đến Quảng Trị là người ta nghĩ ngay đến vùng trọng điểm của nắng – gió. Cái khắc nghiệt ấy trong những năm trở lại đây đã trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong việc phát triển điện năng.

Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên - Ảnh 1

Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ, có số giờ nắng trung bình khoảng 2.200÷2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ ổn định cao trung bình khoảng gần 4,5÷5kWh/m²/ngày, với nắng quanh năm, là nguồn tài nguyên to lớn trong quá trình phát triển bền vững các dự án điện năng lượng mặt trời nhiều thuận lợi trong việc đầu tư điện.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa ký quyết định số 559/UBND-CN ngày 9/2/2021 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái.

Theo đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị, tổng mức đầu tư trước thuế 842,9 tỉ đồng. Tổng đó vốn góp nhà đầu tư là 205,1 tỉ đồng, vốn huy động từ các nguồn vay thương mại 637,6 tỉ đồng

Dự án sẽ thực hiện tại thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng 136,007 ha đất dự án và 1,5846 ha cho hành lang lưới điện phục vụ dự án.

Về công suất thiết kế, Dự án bao gồm các hợp phần sau: Hợp phần 1 bao gồm trang trại lợn quy mô 7.500 con lợn nái và 72.000 con lợn thịt chia làm 3 modul tiêu chuẩn. Mỗi modul 2.500 con lợn nái giống và 24.000 con lợn thịt được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ mới, đáp ứng được những yêu cầu chung thiết kế và phối hợp các bộ phận thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Hợp phần 2 bao gồm hệ thống điện mặt trời áp mái trên các mái chuồng của dự án quy mô khoảng 10 MWp; Hợp phần 3 gồm trang trại nuôi bò quy mô 1.000 con bò thịt giống và vỗ béo. Khu vực chăn nuôi bò cách xa khu vực chăn nuôi lợn đảm bảo theo quy chuẩn và tiêu chuẩn chăn nuôi về an toàn dịch bệnh.

Về quy mô kiến trúc xây dựng: Giai đoạn 1 (từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2021), thi công xây dựng 1 trang trại lợn, xây lắp hệ thống điện áp mái và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án như điện, nước, giao thông… Tổng diện tích xây dựng các hạng mục giai đoạn 1 là 17,5 ha; diện tích lắp đặt điện mặt trời (đảm bảo 10 hệ thống, mỗi hệ thống không quá 1 MWp) là 3,8 ha.

Giai đoạn 2 (từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2022), thi công xây dựng 2 trang trại lợn, 1 trang trại bò và xây lắp hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng trang trại… Tổng diện tích xây dựng các hạng mục giai đoạn 2 là 18,3 ha. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.

Được biết, Công ty TNHH Phát triển Năng lượng và Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị có địa chỉ đăng ký tại Số 3- Đội Cấn, phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp  vào ngày 21/12/2020, do ông Nguyễn Đức Thành (SN 1993, trú Khu phố 9 - phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) làm giám đốc.

Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên - Ảnh 2

Quảng Trị: Chấp thuận chủ trương dự án trang trại kết hợp điện mặt trời áp mái

Trước đó trên địa bản tỉnh Quảng Trị đã có một Nhà máy điện năng lượng mặt trời LIG-Quảng Trị với công suất 49,5 MWp do Công ty Cổ phần LICOGI 13 làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 và đang triển khai xây dựng 2 dự án điện năng lượng mặt trời: Gio Thành 1 với công suất 50 MW do Công ty Cổ phần Năng lượng Gio Thành làm chủ đầu tư và Gio Thành 2 với công suất 50 MW do Công ty Cổ phần Đầu tư SECO làm chủ đầu tư.

Phát triển điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao là một mô hình sinh lợi kép đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Đây là mô hình trang trại bên dưới làm nông nghiệp (trồng trọt các loại cây lương thực, cây ăn quả… hoặc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm…), bên trên lắp các tấm pin mặt trời tạo ra điện sạch vừa phục vụ cho chính trang trại vừa bán điện cho điện lưới tăng thêm doanh thu

Sản xuất điện mặt trời mái nhà hòa lưới hộ gia đình và doanh nghiệp là một hướng sản xuất hiệu quả nhờ vốn đầu tư thấp và hình thức đầu tư mang tính xã hội hóa.

Hiện mô hình phát điện phân tán đang được khuyến khích phát triển còn có mục đích làm giảm bớt quy mô các trung tâm nguồn điện, giảm nguy cơ khi sự cố ở trung tâm nguồn điện lớn sẽ gây thiếu hụt lượng công suất lớn, gây sụt điện áp, tần số lưới điện và có thể rã lưới.Phát triển điện mặt trời mái nhà với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa huy động các nguồn vốn phát triển nguồn điện, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Hệ thống điện mặt trời ở trang trại nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giúp giảm chi phí sử dụng điện (tiết kiệm chi phí sản xuất) và tăng doanh thu từ việc bán điện dư mà còn giúp xây dựng quy trình sản xuất xanh, tạo lập chuỗi cung ứng bền vững, từ đó tăng cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, mô hình kết hợp điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp còn có nhiều ưu điểm, mang lại các lợi ích khác về kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh trong khi các quy định về quản lý đối với loại hình này chưa thể bắt kịp có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Đơn cử như, vấn đề xâm phạm đến quỹ đất nông nghiệp (diện tích lớn đất nông nghiệp trồng cây lâu năm hoặc thậm chí đất trồng rừng được người dân chuyển đổi sang loại đất nông nghiệp khác sử dụng để làm trang trại hoặc chăn nuôi nhưng thực tế là để đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái; hoặc người dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng mặt trời) có thể dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng không đúng mục đích ngày càng tăng lên.

Tiếp theo là vấn đề pháp lý và quản lý đối với hệ thống điện mặt trời áp mái. Điện mặt trời mái nhà hay áp mái là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng. Điện mặt trời trên đất nông nghiệp có được gọi là điện áp mái và thế nào là mái của công trình xây dựng thì ngay cả các cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng, chưa có quy định điều chỉnh cụ thể.

Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh cũng ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của hệ thống hòa lưới và truyền tải điện. Mỗi dự án điện năng lượng mặt trời chỉ mất 1 - 2 năm để triển khai, nhưng lưới truyền tải để đáp ứng được sẽ phải xây dựng từ 3 - 4 năm. Với hiện trạng phát triển quá nhanh, hệ thống điện rất dễ gặp phải các vấn đề về đường dây, máy biến áp liên tục bị vi phạm giới hạn vận hành, gây bất ổn hệ thống và nguy hiểm cho thiết bị và người sử dụng.

Khai thác năng lượng mặt trời là hướng đi phù hợp, khả quan ở nước ta, một xứ sở nhiệt đới với số giờ nắng cao, đặc biệt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ khi ngành điện thu mua lại điện mặt trời hòa lưới, số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư vào loại năng lượng này ngày càng tăng lên.

Sản xuất nông nghiệp kết hợp điện áp mái mang lại nhiều lợi ích

Đánh giá về hiệu quả những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp lắp đặt điện áp mái, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là mô hình kinh tế tuần hoàn không có thứ gì bỏ đi, triệt để khai thác để tạo ra chuỗi giá trị với hệ thống điện mặt trời ở trên còn bên dưới là sản xuất nông nghiệp.

Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha đất mà còn tạo ra những giá trị to lớn ở vùng đất khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững.

Trên thực tế, nhiều nước đã triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ kết hợp với sản xuất năng lượng tái tạo là mô hình sử dụng tiết kiệm, tối ưu tài nguyên, tạo việc làm cho nông dân. Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng cũng đặt ra yêu cầu khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.