Quảng Ninh: Nỗ lực di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư
Các địa phương trong tỉnh Quảng nỗ lực thực hiện di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu dân cư.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về di dời các cơ sở TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp ra khỏi khu dân cư. Đến nay, TP Cẩm Phả đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc phục vụ công tác di dời; xây dựng kế hoạch thực hiện với nội dung, lộ trình có thứ tự ưu tiên cụ thể. Các cơ quan, đơn vị và phường, xã trên địa bàn thành phố cũng tích cực hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để thẩm định, hỗ trợ và đôn đốc di dời theo quy định.
Hiện TP Cẩm Phả đã hoàn thành việc di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư. Trong đó, 49 cơ sở đã di dời và hoạt động ổn định tại CCN Cẩm Thịnh, 10 cơ sở đang đầu tư nhà xưởng trong CCN, 160 cơ sở đã chuyển đổi ngành nghề, 216 cơ sở dừng hoạt động.
Mới đây, tại TP Uông Bí vừa khánh thành và đưa vào sử dụng CCN Phương Nam do Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư sau 4 năm thi công với trên 545 tỷ đồng. Đây là địa điểm phục vụ cho việc di dời cơ sở TTCN trên địa bàn thành phố.
Việc đưa CCN Cẩm Thịnh vào hoạt động, TP Uông Bí thường xuyên rà soát, thống kê cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách di dời đến các cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, giấy tờ nhận hỗ trợ di dời theo chính sách. Hiện, toàn thành phố đã có 84 cơ sở đã dừng, chấm dứt hoạt động và chuyển đổi ngành nghề khác, 17/90 cơ sở đang hoạt động đã đăng ký thuê đất tại CCN Phương Nam.
Đến nay việc di dời các cơ sở TTCN hiện vẫn còn những vướng mắc. Trong đó, phần lớn cơ sở không có đầy đủ thủ tục pháp lý để làm cơ sở xem xét hỗ trợ; chi phí thuê mặt bằng tại CCN phải chi trả một lần khiến cơ sở gặp khó khăn về tài chính; nhiều cơ sở gặp khó khăn về vốn, sản xuất, kinh doanh do tác động của nền kinh tế; hình thức mạnh xử lý các cơ sở gây ô nhiễm; một số ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (sản xuất hợp chất dung môi hữu cơ dùng để pha chế sơn, véc-ni, mực in..) nhưng không thuộc danh mục ngành nghề phải di dời...
Nhằm tháo gỡ vướng mắc từ thực tế, đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở TTCN, góp phần bảo vệ môi trường, tỉnh tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ. Dự kiến đầu tháng 4 này, tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch phải di dời trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó, sẽ kiểm điểm, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; giải quyết dứt điểm những vướng mắc để công tác này được triển khai hiệu quả.
Minh Hà