Quảng Bình: Nhà máy xử lý rác thải hơn 1.400 tỉ đồng dồn ứ hàng nghìn tấn rác
Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ do Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam là chủ đầu tư, với tổng vốn 1.420 tỉ đồng, có quy mô, công suất được đánh giá ngang tầm các nước trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua tại đây lượng rác thải không được xử lý ùn ứ lên đến hơn 1.500 tấn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ khởi công từ tháng 8/2016 tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, với tổng diện tích 7 hecta và đi vào hoạt động từ tháng 3/2018. Trong khoảng gần tháng qua rác thải tập kết về nhà máy này với số lượng lớn ùn ứ chưa được xử lý lên đến hàng nghìn tấn.
Rác thải ùn ứ tại Nhà máy hơn 1.400 tỉ đồng. |
Ghi nhận tại hiện trường, theo quan sát của PV rác thải ùn ứ chất thành núi, từ trong khuôn viên đến bãi tập kết phía ngoài nhà máy. Đáng chú ý là tại khu vực bãi Kompostplalte rác thải tập kết lộ thiên không phủ bạt, bờ tường tại nhiều vị trí đã đổ sập, nước thải từ bãi rác tràn ra ngoài chảy môi trường.
Trước tình trạng này, ngày 9/7/2020, Sở TN&MT Quảng Bình đã có Báo cáo số 1345/STNMT-CCMT ngày 9/7/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình về kết quả kiểm tra tình hình hoạt động của Nhà máy phân loại, xử lý rác thải sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ ngày 06/7/2020.
Theo đó, khối lượng rác mà Nhà máy tiếp nhận trung bình từ 130 - 155 tấn/ngày, tổng khối lượng rác từ 29/2/2020 đến cuối tháng 5 vừa qua là khoảng 11.977 tấn. Rác sau phân loại được chuyển sang chôn lấp tại Bãi rác chung Đồng Hới - Bố Trạch khoảng 5.266 tấn.
Rác hữu cơ sau phân loại lưu giữ tại Nhà máy dùng làm nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất phân khoảng 3.420 tấn. Tổng khối lượng hiện đang lưu giữ tại sân bê tông phía Đông Nam Nhà máy khoảng 3.870 tấn, trong đó bao gồm cả khối lượng tồn cũ trước ngày 29/2/2020 là 450 tấn được phủ bạt không để nước mưa xâm nhập.
Tuy nhiên, trước đó (thời điểm 11 giờ cùng ngày 6/7/2020), PV ghi nhận tại bãi tập kết này không hề phủ bạt. Tại thời điểm kiểm tra, khối lượng rác chưa qua phân loại hiện đang tồn tại Nhà máy khoảng 1.500 tấn.
Rác thải, nước thải tràn ra môi trường bên ngoài. |
Việc rác thải dồn ứ hàng nghìn tấn tại nhà máy, bà Phạm Thị Ngọc Tú – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam lý giải, do ảnh hưởng dịch Covid-19, do nhà máy bị mất trộm một số thiết bị, do chưa có chính sách về giá điện rác, do diện tích quy hoạch nhỏ... là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn ứ rác thải.
“Ngày 25/5/2020, Nhà máy bị mất cắp buộc phải ngừng hoạt động mất 2 tuần. Bãi Kompostplalte đã được quy hoạch và phê duyệt, nước thải sẽ được thu hồi. Bãi này sẽ không che bạt, nếu che bạt metan sẽ bốc lên, sau 23 ngày có vi sinh thì làm cho nó lên men rồi mới che bạt lại. Còn rác đã chở vào đây rồi thì không thể đưa trở lại bên đô thị để trả tiền cho họ nữa. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy chưa nhận được một đồng nào từ tỉnh, khó khăn chồng chất khó khăn từ kinh phí xử lý rác, nguyên liệu đầu vào, không có giá điện rác, không có đơn giá thì đấu điện kiểu gì, ảnh hưởng Covid nữa. Đất chỉ có một rẻo thì lấy đâu mà để phế liệu, đất không có để xây dựng chỗ chứa rác...” - bà Phạm Thị Ngọc Tú cho biết.
Nước thải tràn ra từ bãi Kompostplalte. |
Trước đó, Nhà máy xử lý rác thải này đã từng tạm dừng hoạt động từ ngày 1/10/2019 đến ngày 29/2/2020 không rõ lý do. Dự án này được kỳ vọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp phân bón và đất sạch phục vụ nhu cầu nông nghiệp sạch, sản xuất điện thương phẩm và năng lượng tái tạo. Nhà máy có công suất phân loại và xử lý 245 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và có thể đạt công suất 750 đến 1.000 tấn/ngày nhưng nay lượng rác thải dồn ứ lên đến hàng nghìn tấn chưa được xử lý.
Rác tại bãi Kompostplalte không được phủ bạt, nếu trời mưa nước thải sẽ vô tư tràn ra ngoài môi trường. |
Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Hào – Chi cục trưởng Chi cục BVMT Quảng Bình, cho biết: “Vừa rồi, Chi cục tổ chức kiểm tra thì hiện giờ Nhà máy chỉ vận hành công đoạn phân loại, Nhà máy cũng vừa mới thông báo là bị mất cắp nên phong tỏa lại nhưng trước đó không báo cáo Sở với UBND tỉnh. Nếu báo cáo thì Chi cục sẽ tham mưu UBND tỉnh dừng đưa rác về đó thì sẽ không dồn ứ rác.
Chi cục đã yêu cầu phải giải quyết dứt điểm lượng rác hiện đang tồn đọng tại Nhà máy. Tăng cường phun chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm mùi hôi đối với khối lượng rác tiếp nhận chưa xử lý hết, che phủ bạt tránh để nước mưa xâm nhập gây ô nhiễm môi trường thứ cấp. Trong thời gian chưa giải phóng hết, yêu cầu Nhà máy phải thực hiện che phủ bạt tránh nước mưa xâm nhập cuốn trôi chất bẩn, gây ô nhiễm môi trường”.
Cần có phương án xử lý lượng rác thải tồn dư tại nhà máy xử lý rác thải này. |
Ông Phan Xuân Hào còn cho biết thêm, trong thời gian Nhà máy chưa hoàn thiện các dây chuyền sản xuất để tránh hiện tượng tồn đọng rác tại Nhà máy, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố ô nhiễm môi trường thứ cấp. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề nghị UBND tỉnh xem xét cho tạm dừng việc tiếp nhận rác để phân loại tại Nhà máy để Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam tập trung khắc phục, xử lý dứt điểm lượng rác thải còn tồn đọng chưa được xử lý. Khi hoàn thành lắp đặt đồng bộ tất cả các công đoạn xử lý, Công ty báo cáo UBND tỉnh kiểm tra cho phép mới được tiếp nhận rác và đi vào hoạt động trở lại.
Hồng Thiệu - Nguyễn Giang