Quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới'
Nguồn nhân lực khu vực công là nhân tố quyết định hiệu quả vận hành của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và là nhân tố quan trọng dẫn dắt quá trình đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế tri thức, hiệu quả và bền vững.
Đó là nội dung Hội thảo khoa học quốc gia diễn ra sáng 12/5/2022 tại Trường Đại học Thương mại với sự phối hợp giữa Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Dự báo & Phát triển nguồn nhân lực - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Hội thảo nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, khuyến nghị hàm ý về cơ chế, chính sách đổi mới quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam, cũng như gợi mở những giải pháp đảm bảo khai thác, phát huy tối đa nguồn nhân lực khu vực công một cách chủ động, sáng tạo trong bối cảnh mới.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Phạm Vũ Luận, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; PGS.TS Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại; PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Phạm Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong bối cảnh mới, để phát triển nền kinh tế số, nguồn nhân lực và đặc biệt là nguồn nhân lực trong tổ chức công có vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại khu vực công hiện nay. Thực hiện tốt quản trị nhân lực ở khu vực công sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nền kinh tế hiện đại và thông minh ở Việt Nam. Thêm vào đó là những yêu cầu của bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cuộc khủng hoảng toàn cầu tạo ra những thách thức không hề nhỏ ở khu vực công tại Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu quản trị nhân lực công ở Việt Nam rất cấp thiết trong bối cảnh mới hiện nay.
Với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, khuyến nghị hàm ý về cơ chế, chính sách đổi mới quản trị nhân lực ở khu vực công ở Việt Nam, cũng như gợi mở những giải pháp đảm bảo khai thác, phát huy tối đa nguồn nhân lực khu vực công một cách chủ động, sáng tạo trong bối cảnh mới… Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới” là cơ hội để các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà hoạch định chính sách… trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam. Từ đó gợi mở các giải pháp, hàm ý chính sách, kiến nghị về quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực khu vực công là nhân tố quyết định hiệu quả vận hành của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và là nhân tố quan trọng dẫn dắt quá trình đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia, hướng tới nền kinh tế số hiệu quả và bền vững. Do đó, nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực khu vực công trong bối cảnh mới là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Hội thảo đã nhận diện bối cảnh mới và những thách thức đặt ra về quản trị nhân lực khu vực công trong bối cảnh mới; phân tích thực trạng quản trị nhân lực khu vực công hiện nay và đề xuất được hàm ý chính sách nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Trong những năm qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam trở thành một trong những nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao khu vực công, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo và tư duy đột phá của Đảng ta. Để thực hiện tốt chủ trương này đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, tính khoa học, thực tiễn và khả thi.
Để nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam cần có các chính sách rõ ràng, trong đó cơ bản cần phải có: Nâng cao nhận thức về nguồn nhân lực, công tác quản trị nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng việc tổng kết lý luận, thực tiễn về công tác tổ chức, cán bộ; hoàn thiện chính sách và pháp luật làm cơ sở để quản lý hiệu quả nguồn nhân lực; thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và nhân tài vào làm việc trong khu vực công; hoàn thiện công tác bố trí nhân lực và công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị nhân tài khu vực công…
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, gửi bài tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp. Hội đồng chuyên môn của Hội thảo đã tiến hành thẩm định các bài viết khoa học một cách độc lập, nghiêm túc và khách quan. Trong hơn 120 bài viết gửi về, ban tổ chức đã chọn lọc được 74 bài nghiên cứu để xuất bản trong cuốn kỷ yếu này. Các nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao/ có giá trị thực tiễn và thể hiện tính đa dạng trong tiếp cận gắn với 03 chủ đề xác định bao gồm: (1) Chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới; (2) Quản lý nguồn nhân lực công tại các Bộ, Ngành, Địa phương trong bối cảnh mới; (3) Lý thuyết và thực tiễn quản trị nhân lực của các tổ chức công trong bối cảnh mới. Những bài viết không chỉ có tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, hàm ý chính sách đối với việc bảo đảm, phát huy tối đa nguồn nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Có thể nhận định, nguồn nhân lực khu vực công là nhân tố quyết định hiệu quả vận hành của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và là nhân tố quan trọng dẫn dắt quá trình đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia, hướng tới nền kinh tế tri thức, hiệu quả và bền vững. Việc không ngừng nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực khu vực công trong bối cảnh mới là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Hội thảo khoa học "Quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới" được 4 đơn vị cơ sở giáo dục tổ chức đã đưa ra các vấn đề cấp thiết và mang tính mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Phương Nam