Thứ sáu, 27/12/2024 12:14 (GMT+7)
    Thứ hai, 22/03/2021 13:57 (GMT+7)

    Phố cổ Hà Nội được xây nhà không quá 4 tầng

    Theo dõi KTMT trên

    Theo đồ án quy hoạch mà Hà Nội sắp công bố, công trình ở phố cổ cao tối đa 16 m. Đối với khu phố cũ, nhà được phép xây cao từ 4 đến 6 tầng.

    Dự kiến sáng 22/2, UBND Hà Nội công bố Đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tỉ lệ 1/2.000 tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh và Hai Bà Trưng.

    Việc hoàn thiện và phê duyệt đồ án này là một trong những nội dung quan trọng được Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo và giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố hoàn thiện trong tháng 3.

    Giãn hơn 200.000 dân phố cổ

    Ký hiệu các quy hoạch các phân khu này là H1-1 (A, B, C) thuộc quận Hoàn Kiếm, H1-2 thuộc quận Ba Đình, H1-3 thuộc quận Đống Đa, H1-4 thuộc quận Hai Bà Trưng. Tổng diện tích đất triển khai 6 đồ án là hơn 2.700 ha, với khoảng 887.400 người.

    Một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là thực hiện giãn dân khu vực đô thị lõi, giảm khoảng 215.000 người và duy trì dân số trong khoảng 670.000 người từ năm 2030 đến 2050.

    Phố cổ Hà Nội được xây nhà không quá 4 tầng - Ảnh 1
    Những căn nhà chỉ đủ kê chiếc giường đơn ở phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Lê Hiếu)

    Đến năm 2030, khi TP triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng, các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành sẽ được di dời. TP cũng có cơ sở để phát triển đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị bắc sông Hồng, phía đông đường vành đai 4.

    Với việc các khu đô thị vệ tinh được hình thành cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh sẽ thu hút dân tại 4 quận nội đô lịch sử ra ngoại thành, kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt.

    Về tổ chức không gian kiến trúc - cảnh quan, thiết kế đô thị dự kiến cho khu nội đô, TP sẽ hướng đến giảm chiều cao các công trình, theo kiểu "lòng chảo". Tức là không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng và cao dần ra xung quanh.

    Các công trình ở phố cổ được phép cao đến 4 tầng (tối đa 16 m). Với khu phố cũ, nhà được phép xây từ 4 đến 6 tầng (tối đa cao 22 m). Các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao đến 7 tầng (tối đa 25 m).

    Nhà cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến. Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng, TP ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung cây xanh, bãi đỗ xe, công viên...

    Về quy hoạch không gian ngầm, Hà Nội tìm giải pháp kết nối với các công trình ngầm và nổi xung quanh, đảm bảo thuận tiện. Trong đó có các trung tâm thương mại, giải trí, thể dục thể thao, quảng trường, sân vận động, không gian trống...

    Về quan điểm bảo tồn, TP sẽ bảo tồn khu phố cổ theo hình thái kiến trúc các tuyến phố hiện có; bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố, tạo lập hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng.

    Khu vực hồ Gươm được bảo tồn hình ảnh đặc trưng với không gian mặt nước và cây xanh quanh hồ; bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cách mạng...

    Giải được bài toán vướng mắc hàng chục năm

    Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố, 6 quy hoạch phân khu này đã bao trùm toàn bộ vùng đô thị lõi, mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của cả Thăng Long và Hà Nội.

    Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, vùng lõi đô thị Hà Nội sẽ được kiến tạo thành những phân khu đa năng, đáp ứng cho mục tiêu phát triển của TP và nâng cao chất lượng, mức sống của người dân, xử lý triệt để bài toán giãn dân bị trì trệ nhiều năm nay.

    Phố cổ Hà Nội được xây nhà không quá 4 tầng - Ảnh 2
    Sự lộn xộn, nhếch nhác làm mất vẻ đẹp của khu phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Lê Hiếu)

    "Với việc dân số và hạ tầng đô thị ở Hà Nội biến động mạnh do quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đòi hỏi TP phân bố, quy hoạch lại các khu trung tâm, đặc biệt là trung tâm chính trị Ba Đình. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, giữ cái cũ nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu hiện đại", ông Nghiêm nói cho Zing.

    Theo nguyên kiến trúc sư trưởng TP, các dự án giãn dân ở khu phố cổ, quy hoạch hồ Gươm và vùng phụ cận đã được đưa ra từ năm 1995, phê duyệt bước đầu vào năm 1999, nhưng hơn 20 năm qua suy chuyển không nhiều.

    "Giai đoạn trước chúng ta đã thực hiện không thành công, thậm chí để xảy ra các vi phạm nhức nhối, kéo dài cho đến giờ. Quy hoạch cũ chưa xong, sắp tới lại có thêm các quy hoạch mới tích hợp. Vì vậy, nếu không khẩn trương rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo, ách tắc kéo dài", kiến trúc sự lo ngại.

    Sơn Hà

    Bạn đang đọc bài viết Phố cổ Hà Nội được xây nhà không quá 4 tầng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới