Thứ bảy, 27/04/2024 22:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/08/2023 22:27 (GMT+7)

Phê duyệt kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến 2030

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

Phê duyệt kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến 2030 - Ảnh 1
Phê duyệt Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. 

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đóng góp thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.

Đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC). Đồng thời, phấn đấu diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030. 

Qua đó góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025, đạt 1,0 triệu ha vào năm 2030.

Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế và chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững, không gây mất rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa.

Ngoài ra, cần nâng cao tính chống chịu và giảm thiểu tổn thương do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, có phát thải thấp và tuân thủ nguyên tắc kinh tế xanh.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đồng thời, thực hiện giải pháp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất, đảm bảo các quyền của người dân và các cộng đồng địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tăng cường khả năng tiếp cận, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế. Hợp tác công tư cũng cần được thúc đẩy để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh đó, cần bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều này đòi hỏi thiết lập các cơ chế và chính sách có hiệu lực, nhằm giảm tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng phục hồi cũng cần được đẩy mạnh.

Đồng thời, cần đạt được các mục tiêu quốc tế về quản lý rừng, sử dụng đất bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP26 thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa bế mạc ngày 13/11, 197 quốc gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhận định, Hiệp ước dù không hoàn hảo nhưng cho thấy sự đồng thuận.

Theo Hiệp ước, các nước khẳng định lại mục tiêu hạn chế nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng đến 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu được 197 quốc gia thông qua đòi hỏi phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và giảm về mức 0 vào khoảng năm 2050, đồng thời giảm mạnh phát thải các khí nhà kính khác.

Phê duyệt kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến 2030 - Ảnh 2
Hội nghị COP26 bế mạc tại Glasgow (Anh) vào ngày 13/11. Ảnh: UN News

Một nội dung quan trọng trong Hiệp ước là kêu gọi giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng. Đây được xem là chiến thắng lớn bởi lần đầu tiên có một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc đề cập đến nhiên liệu hóa thạch.

Theo thỏa thuận, các quốc gia vào cuối năm 2022 phải xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau, để thực hiện mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.

Đây là một bước tiến bởi các thảo thuận khí hậu trước đây của Liên Hợp Quốc yêu cầu các quốc gia đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) 5 năm một lần.

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Phê duyệt kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới