Phát triển sản xuất nông sản an toàn và những ảnh hưởng đến môi trường
Trong lĩnh vực trồng trọt, hai nhóm yếu tố đầu vào là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nông sản và sức khỏe con người nếu sử dụng không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong canh tác.
Sáng ngày 23/1, tại Hà Nội, Hội trí thức Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn”. Đây là sự kiện mở đầu cho quá trình triển khai đề tài "Nghiên cứu thực trạng hoạt động và đề xuất một số mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội".
Triển khai quản lý ATTP theo chuỗi còn nhiều vướng mắc
Tại Hội thảo, trình bày tham luận “Cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn”, PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay vẫn là một trong những thách thức của hệ thống thực phẩm của Việt Nam nói chung và của các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác quản lý ATTP với sự ra đời của Luật ATTP 2010 và nhiều chính sách về quản lý ATTP đã ra đời để triển khai Luật và đã đóng góp vào cải thiện an toàn thực phẩm. Luật ATTP 2010 đã quy định về quản lý ATTP theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tuy nhiên vấn đề này triển khai trên thực tế còn nhiều lúng túng.
Hiện nay, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các chuỗi giá trị nông sản thấp là do chi phí giao dịch cao, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, công nghệ sau thu hoạch và chế biến lạc hậu, do vậy các chủ thể trong chuỗi chưa áp dụng tiến bộ KHKT và các quy định về đảm bảo ATTP vào sản xuất.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) là chưa lựa chọn được tác nhân dẫn dắt mạnh như doanh nghiệp, hợp tác xã đồng hành cùng nông dân. Các nghiên cứu về mô hình quản lý chuỗi giá trị nông sản thực phẩm (NSTP) an toàn và các chính sách thúc đẩy sự phát triển bền vững của các chuỗi chưa được đề cập nhiều mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và thúc đẩy liên kết như Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, vừa đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, vừa đảm bảo ATTP của sản phẩm trong chuỗi.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này cũng còn nhiều vướng mắc, vì vậy việc nghiên cứu thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi nhằm xây dựng và đề xuất mô hình quản lý chuỗi nông sản thực phẩm an toàn và rà soát lại các chính sách phát triển bền vững các chuỗi giá trị là hết sức cấp thiết.
Để phổ biến mô hình thể chế mới quản lý chuỗi NSTP an toàn, PGS.TS Đào Thế Anh đề xuất một số giải pháp chính sách. Trong đó, Nhà nước cần chuyển từ tiếp cận quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo Nghị định 115/2018; Triển khai thực hiện tiếp cận quản lý rủi ro ATTP bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông về rủi ro.
Thể chế hóa chuỗi giá trị NSTP an toàn: Lồng nghép với chính sách xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với chính sách thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị; Thúc đẩy nhanh việc hình thành hệ thống thanh tra chuyên ngành ATTP trên toàn quốc nhằm tăng hiệu quả thanh tra theo quản lý rủi ro và giảm chồng chéo tạo thông thoáng cho các tác nhân chuỗi giá trị; Tập trung đầu mối quản lý các cơ sở chứng nhận bên thứ ba theo tiêu chuẩn ATTP.
Ảnh hưởng của phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường
Tại tham luận “Hiện trạng và vai trò của việc sản xuất nông sản an toàn”, TS Nguyễn Đình Thi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nền nông nghiệp hóa học từ giữa thế kỷ XX bên cạnh những thành tựu to lớn về an ninh lương thực trước sức ép của gia tăng dân số đã để lại những hậu quả không nhỏ về môi trường và sức khỏe con người.
Để gia tăng sản lượng lương thực, người nông dân đã lạm dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật để tăng năng suất cây trồng hoặc sử dụng phân bón khác không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất và nước. Dù bón ít phân mà thiếu những hiểu biết cần thiết cho việc bón phân hiệu quả và an toàn thì vẫn tạo điều kiện để phân bón làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhất là khi sử dụng không hợp lý gây ra hiện tượng đất bị chua hóa, hàm lượng các chất vôi giảm, kết cấu đất kém, hoạt động của vi sinh vật trong đất giảm, có sự tích đọng amôn, kim loại nặng ở một số vùng. Bên cạnh đó, các thành phần trong phân bón còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sứ khỏe của cộng đồng.
Theo TS Nguyễn Đình Thi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp mang lại một số tiện ích. Tuy nhiên, khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, có tới 50% lượng thuốc rơi xuống đất, ngoài ra còn có một số thuốc thải trực tiếp vào đất. Khi vào trong đất, một phần thuốc được cây trồng hấp thụ, một phần bị keo đất giữ lại, trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến môi trường đất. Mặt khác, thuốc bảo vệ thực vật có khả năng hòa tan trong nước gây ô nhiễm môi trường nước.
“Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã làm hỏng cấu tượng đất, làm phương hại đến tập đoàn vi sinh vật – phần “sống” của Trái đất, làm ô nhiễm nguồn nước. Hàng năm, có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong (do ngộ độc cấp tính) vì lượng hóa chất tòn đọng quá cao trong thực phẩm”, TS Nguyễn Đình Thi cho biết.
Khang Anh