Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường - Thông điệp của Nhà nước Việt Nam
Xác định công tác bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đều nhấn mạnh “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Thông điệp xuyên suốt các nhiệm kỳ
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; Trong đó kinh tế tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; Y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe được tăng cường; Quốc phòng, an ninh được củng cố và ổn định; Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả,...
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển; Đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; Hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; Sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề môi trường cấp bách này đã trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thấy rõ thức đó, ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngay những dòng đầu tiên, Chỉ thị đã nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; Là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới”.
Vấn đề này cũng được nhấn mạnh trong Văn kiện cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó, xác định phương hướng cơ bản phát triển đất nước là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường” và định hướng “Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”.
Cụ thể hóa Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nêu rõ quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Chiến lược đặt ra yêu cầu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chương trình, dự án. Các dự án đầu tư xây dựng mới phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn đối với các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại cho môi trường và được hưởng lợi từ môi trường dựa trên những nguyên tắc của thị trường. Bên cạnh đó, những cơ chế tài chính khác được hoàn thiện, bổ sung thêm trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 như Quỹ bảo vệ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để tạo ra một cơ chế khá đầy đủ hướng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường và người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường thông qua các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Chủ trương quán triệt nhiều năm nay ở trong nước tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi đối thoại với hàng trăm lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, theo hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến.
Phát triển xanh và chống BĐKH là xu hướng quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập.
Chia sẻ đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, tác động đến tất cả người dân nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời kêu gọi công bằng, công lý về BĐKH.
“Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Với quyết tâm hành động, phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về BĐKH.
Dự sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước phát triển, nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu, chia sẻ, hỗ trợ nước đang phát triển, nước nghèo về tài chính khí hậu, chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn.
Ô nhiễm môi trường đe dọacuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
Phải cương quyết bảo vệ môi trường, bắt đầu từ đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. “Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”.
Hà Lan