Thứ hai, 16/09/2024 11:09 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/09/2024 06:12 (GMT+7)

Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề về Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi tại địa bàn tỉnh Hải Dương. Qua đó nghiên cứu, khảo sát và ghi nhận thực tiễn tại huyện Kim Thành.

Phát triển bền vững được xác định là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến thế hệ tương lai. Đây là xu thế chung mà các quốc gia đang nỗ lực hướng tới, trong đó có Việt Nam. Sở dĩ phải phát triển bền vững là do tài nguyên có giới hạn, trong khi nhu cầu lại không ngừng tăng lên. 

Để phát triển kinh tế bền vững, song song với duy trì tốc độ tăng trưởng cao cần có chiến lược khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững thể hiện ở các khía cạnh như: Tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, phát triển bền vững, tăng cường đầu tư và phát triển.

Ngày nay, sự gia tăng của các dự án công trình phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội đã kéo theo sự phát triển của các bến bãi khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông, ven kênh trục nội đồng. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua hoạt động vận tải hàng hóa, cung ứng nguồn khoáng sản và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi đang vô hình trung đe dọa đến hành lang đê, nguy cơ mất an toàn trong phòng chống thiên tai và các vấn đề về đất đai, môi trường, an ninh trật tự, thất thu ngân sách... Đó cũng là những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế đang theo xu hướng xanh, bền vững.

Từ thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề "Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng", qua đó khảo sát và ghi nhận thực tiễn tại địa bàn tỉnh Hải Dương. Cụ thể là thực tiễn tại huyện Kim Thành - một trong những địa phương tồn đọng nhiều vi phạm về bến bãi ở tỉnh này.

Từ thực tiễn hoạt động của bến bãi ven sông đến tác động môi trường trong mục tiêu phát triển bền vững

Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch hành động nêu rõ: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Theo đó, mục tiêu tổng quát phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản.

Như vậy có thể thấy, việc bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Một nền kinh tế bền vững cần phải đi cùng với bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên. Tuy nhiên hiện nay, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Một trong những hoạt động vừa mang lại lợi ích thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa nguy cơ tác động tiêu cực đến phát triển bền vững đó là quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng.

Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3) - Ảnh 1
Những vi phạm ở các bến bãi ven sông vô hình trung gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế bền vững.

Địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) là địa phương có tỷ lệ bến bãi vi phạm ở mức cao. Theo rà soát đến ngày 30/6/2024, huyện này có 64 điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh bến bãi. Trong đó, 84% số bến bãi có những vi phạm về chất tải, tồn tại nhà lán tại bãi sông. Theo báo cáo của Hạt quản lý đê Kim Thành, trong số 64 bến bãi trên địa bàn huyện chỉ có 17 bến bãi có giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều (còn thời hạn).

Điều 25 Luật Đê điều hiện hành quy định về cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều. Theo đó, việc cắt xẻ đê để xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều phải được UBND cấp tỉnh cấp giấy phép. Việc cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Đê điều phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật về đê điều, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Giấy phép là cơ sở pháp lý đảm bảo bến bãi hoạt động đúng theo quy định và bảo vệ hành lang đê. Thế nhưng, hiện trạng hàng loạt bến bãi tại huyện Kim Thành hoạt động khi chưa có giấy phép, với tỷ lệ vi phạm lên tới 84% đang là mối đe dọa đến đất đai, môi trường, an ninh trật tự, an toàn đê điều, phòng chống thiên tai, thất thu ngân sách… Chính những bất cập này vô hình trung sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế bền vững.

Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3) - Ảnh 2
Bãi than ven sông ở huyện Kim Thành không được che chắn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ bụi than và ngấm nước xuống đất, sông.

Theo rà soát đến ngày 30/6/2024, huyện này có 25 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, 17 bến bãi kinh doanh than và 22 bến bãi kinh doanh các lĩnh vực khác. Trong đó, than là một ngành đặc thù có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh nếu không có các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ghi nhận thực tế, nhìn từ trên cao cho thấy nhiều bãi than ở huyện Kim Thành chất ngọn, không được che chắn. Trong đó có những bãi than lớn nằm bên bờ sông Kinh Môn và ngay dưới chân cầu Mây. Bãi than tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm từ việc thẩm thấu, đặc biệt là khi trời mưa có thể làm ngấm nước từ bãi than xuống đất hoặc chảy xuống sông. Ngoài ra, theo ghi nhận thực tế có nhiều phương tiện chở than che chắn sơ sài, di chuyển từ bến bãi lên trên đê mang theo bụi than và bụi đất ra môi trường. Cùng với việc chưa được cấp phép, hoạt động lộn xộn tại các bến bãi kinh doanh than có thể gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và phát triển bền vững.

Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3) - Ảnh 3
Các bãi than hoạt động tấp nập ven sông ở địa bàn huyện Kim Thành.

Từ Chỉ thị 24 của Thủ tướng đến Nghị quyết 36 của Tỉnh ủy Hải Dương và thực tiễn công tác quản lý ở Kim Thành

Ngày 7/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Chỉ thị nêu rõ: Nhu cầu sử dụng đất đai, vật liệu xây dựng cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, tập kết vật liệu với quy mô lớn trên bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép trên bãi sông và lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ; số vụ vi phạm xảy ra giảm dần qua từng năm nhưng nhiều vụ có mức độ và quy mô vi phạm tăng; việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng chưa xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm còn nhiều (trên 70% số vụ vi phạm).

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

Ngày 6/7/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 4456/VPCP-CN về việc báo cáo kết quả 01 năm thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ đê điều. Nội dung công văn cũng chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi kinh doanh cát. Thế nhưng đến nay, thực trạng quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi tại địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm.

Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3) - Ảnh 4
Theo rà soát, địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) vẫn tồn tại nhiều bất cập về hoạt động tại các bến bãi ven sông.

Theo phụ lục tổng hợp các bến bãi trên địa bàn mà Hạt quản lý đê Kim Thành đã cung cấp cho phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, xã Thượng Vũ là địa phương tồn nhiều nhất các bến bãi đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép liên quan đến đê điều ở huyện này, cụ thể là 9 bến bãi của các tổ chức, cá nhân: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Thành Công HD; Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Vượng Cường; Công ty HNG; cá nhân Đặng Văn Dũng (2), Phạm Văn Biên, Nguyễn Thị Phượng và Phương Kim Tải, Lê Đức Tuấn, Vũ Thị Diến.

Địa bàn xã Ngũ Phúc có 4 bến bãi đang hoạt động của các tổ chức, cá nhân: Công ty TNHH Đóng tàu An Phát; bà Nguyễn Thị Phượng, ông Phạm Văn Lâm, ông Vũ Văn Thiện. 4 bãi cát đang hoạt động không có giấy phép liên quan đến đê điều tại xã Phúc Thành của các cá nhân: Đỗ Văn Hạnh, Nho Văn Lập, Trần Trung Kiên, Trần Văn Duyến. Các địa phương khác cũng tồn tại nhiều bến bãi hoạt động trên diện tích lớn mà chưa được cấp phép như: Xã Tam Kỳ (3), Lai Vu (3), Kim Đính (2), Kim Liên (2), Bình Dân (2). Các bến bãi hoạt động trên tuyến đê tả Lai Vu, đê hữu Kinh Môn, đê tả Rạng và đê tả Lạch Tray. Trong số đó, nhiều bến bãi có thời hạn thuê đất đến năm 2039, 2040, 2041 và 2058.

Trong số các bến bãi chưa có giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều, nhiều bến bãi diện tích lớn hàng chục nghìn mét vuông như: Bến bãi gần 59.000m2 của Công ty Hoàng Vũ HL trên tuyến đê tả Lạch Tray (xã Tam Kỳ), bến bãi hơn 30.000m2 của Công ty CP Vật liệu xây dựng TM Thái Dương trên tuyến đê tả Lạch Tray (xã Tam Kỳ), bến bãi hơn 64.000m2 của Doanh nghiệp tư nhân thương mại Đại An trên tuyến đê tả Rạng (xã Kim Đính), bến bãi hơn 29.000m2 của cá nhân Bùi Nguyệt Minh trên tuyến đê hữu Kinh Môn (xã Kim Liên)...

Với tỷ lệ bến bãi vi phạm lên tới 84% và hàng loạt bến bãi chưa được cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, nhìn từ yêu cầu “gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương” cho thấy việc quản lý hoạt động bến bãi tại huyện Kim Thành vẫn còn nhiều bất cập.

Với tỷ lệ bến bãi vi phạm lên tới 84% và hàng loạt bến bãi chưa được cấp phép, việc quản lý hoạt động bến bãi tại huyện Kim Thành vẫn còn nhiều bất cập.

Điều 43 Luật Đê điều hiện hành cũng quy định UBND cấp huyện có trách nhiệm “Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều”. UBND cấp xã có trách nhiệm “Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê trên địa bàn; Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý”. Thế nhưng, thực tiễn các bến bãi vi phạm tại huyện Kim Thành trong thời qua đã cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong quản lý, xử lý của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ngày 29/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng trên địa bàn. Thực hiện theo Nghị quyết, từ đầu năm 2024, Huyện ủy Kim Thành và UBND huyện Kim Thành đã ban hành kế hoạch triển khai tại địa bàn huyện. Theo đó, huyện này đặt mục tiêu hoàn thành việc thu hồi, chuyển đổi dự án, điều chỉnh quy hoạch, chấm dứt hoạt động, giải tỏa bến bãi xong trước ngày 31/12/2024. Từ ngày 1/1/2026, 100% bến bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định.

Huyện Kim Thành đã tiến hành rà soát, phân loại để lập danh mục bến bãi theo từng nhóm đối tượng; tổng hợp nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn hoàn thiện thủ tục pháp lý và tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi thực hiện đúng theo quy định. Huyện phấn đấu sẽ tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm tồn tại của các bến bãi theo thẩm quyền, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật xong trước ngày 21/12/2025.

Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3) - Ảnh 5
Địa bàn huyện Kim Thành hiện có 17/52 bến bãi hoạt động đã được cấp phép, 13 bến bãi chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai.

Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Kim Thành. Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, sau khi có Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 29/12/2023, Huyện ủy Kim Thành đã ban hành Kế hoạch số 120-KH/HU ngày 24/1/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Tiếp đó, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND ngày 26/2/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Đến nay, trong số 64 bến bãi theo danh sách rà soát trên địa bàn huyện có 12 bến bãi dừng hoạt động, 52 bến bãi đang hoạt động, 17/52 bến bãi hoạt động đã được cấp phép. Hiện còn 13 bến bãi chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai. Trong mùa mưa lũ năm nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc giải tỏa, thanh thải vật liệu ở các bến bãi xong trước ngày 15/6. Tuy nhiên, việc thực hiện giải tỏa, thanh thải còn chậm.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra theo các kế hoạch đã ban hành, huyện Kim Thành cần phải vào cuộc quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Bởi thực tế ghi nhận, nhiều bến bãi tại địa bàn huyện này vẫn vô tư hoạt động, chất tải cao trong mùa mưa lũ.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Khảo sát và đánh giá hiện trạng sử dụng bến bãi liên quan phòng tuyến đê ở Kim Thành (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Nhân lên tình người vượt mưa lũ
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống hàng nghìn người ở nhiều địa phương, vì thế, cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào.
Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam'
Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.
"Hết mưa là nắng hửng lên thôi"
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi!” - Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua mạnh mẽ để phát triển bền vững. Là người Việt Nam, với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, chúng ta sẵn có niềm tin tự cường ấy!