Thứ ba, 03/12/2024 19:17 (GMT+7)
Thứ tư, 21/04/2021 06:26 (GMT+7)

Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Cùng với việc phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, hệ thống máy bán hàng tự động, giai đoạn này, Hà Nội cũng tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP.Hà Nội do UBND TP.Hà Nội tổ chức chiều 20/4, bức tranh Thủ đô sau 5 năm đã được phác họa với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Đây cũng là giai đoạn TP.Hà Nội tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Cùng với việc phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, hệ thống máy bán hàng tự động, giai đoạn này, thành phố cũng tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung các công việc, giải pháp nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội.

Trong Chương trình 02 của thành phố, kế hoạch 5 năm thành phố đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển từ 2 - 3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển, xây dựng, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn thành phố đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Giai đoạn 2021 - 2025, nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp; thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025 và 3 khu công nghiệp nữa sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, kể các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI.

Đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành công thương xác định các ngành nghề doanh nghiệp chủ lực, mũi nhọn; không gian cho phát triển công nghiệp, tạo tiền đề cho sản xuất công nghiệp. Đối với sản phẩm công nghiệp chủ lực, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 117 sản phẩm công nghiệp chủ lực, có những doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực với doanh thu nghìn tỉ trở lên chiếm số lớn.

Trong giai đoạn này, Sở Công Thương cũng sẽ tìm ra những sản phẩm chủ lực có doanh thu chiếm tỉ trọng cao trong tổng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn. Công nghiệp hỗ trợ phấn đấu tỉ lệ nội địa hóa đạt cao, thúc đẩy gắn kết giữa các doanh nghiệp trong khối công nghiệp với nhau, thúc đẩy sản xuất.

Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho hay, đối với làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, trong giai đoạn 2015 - 2020 chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Sở cùng các đơn vị, quận, huyện, Cục Thống kê sẽ tính toán xác định được tăng trưởng trong khu vực làng nghề, bằng chương trình khuyến công và xúc tiến  thương mại sẽ thúc đẩy làng nghề phát triển. Đặc biệt, thúc đẩy hỗ trợ xuất khẩu đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thế mạnh đặc trưng.

Đối với lĩnh vực thương mại, thành phố xác định tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; xây dựng hệ thống chợ khang trang, sạch đẹp, tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố lâu dài. Cùng đó, tập trung đầu tư 5 chợ đầu mối để có những chợ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và kiểm soát an toàn thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu qua chợ đầu mối. Ngoài ra, thành phố phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Du lịch được xác định tiếp tục phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, với các chỉ tiêu đặt ra ngành du lịch tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất là 35 triệu khách đến năm 2025 với tổng doanh thu trên 150 nghìn tỉ đồng. Mục tiêu này đặt ra để ngành du lịch tiếp tục phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Trần Trung Hiếu cho biết, mặc dù năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khó khăn nhưng ngành quyết tâm để đạt mục tiêu đặt ra. Theo đó, để đạt mục tiêu này thì điều kiện bảo đảm là môi trường an toàn, đặc biệt là trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ngành tập trung tạo ra sản phẩm độc đáo cho du lịch, sản phẩm chủ lực mới, phát triển hạ tầng kết nối du lịch; tận dụng cơ hội của 5 năm trước để phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số. Ngành du lịch đăng ký thực hiện tiên phong chuyển đổi số, phát triển du lịch ban đêm, tạo ra sản phẩm du lịch về đêm để tăng doanh thu, tập trung đổi mới công tác truyền thông trên các kênh thông tin... để đạt mục tiêu thu hút 35 triệu khách du lịch đến Thủ đô đến năm 2025.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận Hoàn Kiếm được xác định là điạ bàn trọng điểm phát triển du lịch, hiện nay kinh tế của quận cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng này. Với số lượng nhà hàng, khách sạn lớn, những năm qua quận Hoàn Kiếm đã đóng góp hiệu quả cho ngân sách thành phố. Hiện nay quận đang tập trung cho quy hoạch, củng cố lại chức năng các khu vực, phối hợp với các sở, ngành phát triển du lịch, trong đó có phát triển kinh tế đêm, tổ chức các phố đi bộ, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các phố nghề, cải tạo hạ tầng.

Đẩy nhanh triển khai đường vành đai 4

Đối với công tác đổi mới công tác quy hoạch và tăng cường quản lý quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, tại thời điểm này cũng như thời kỳ 5 năm tới, thành phố sẽ có 2 quy hoạch tốc độ của Thủ đô rất lớn là quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 triển khai theo Luật Quy hoạch 2017 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định trong xây dựng phát triển Thủ đô của Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở ngành chức năng phải nêu bật 2 quy hoạch này trong công tác đổi mới công tác quy hoạch và tăng cường quản lý quy hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ngành cập nhật, bổ sung nội dung rà soát, đánh giá, hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, nghĩa trang, rác thải, chiếu sáng, điện lực... , phấn đấu phê duyệt 2 quy hoạch trên vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng yêu cầu phải rà soát nội dung phát triển đường vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh; trong đó, khu vực Hà Nội chiếm khoảng 65% khối lượng chiều dài tuyến này. Đồng thời, liên kết các khu vực đô thị vệ tinh phía tây thành phố như: Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Hòa Lạc, đô thị vệ tinh Sóc Sơn, loạt tuyến vành đai 5.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các cầu hướng tới các vùng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải đối mặt với dịch bệnh có diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu, mục tiêu tổng quát đã được Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố chỉ rõ, các chỉ tiêu cụ thể cũng được nêu rõ trong 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII).

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh, thành phố, hiệu quả kinh tế - xã hội hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành, rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tuyết Mai

Bạn đang đọc bài viết Phát triển Hà Nội theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới