Phát huy mạnh mẽ tính tiên phong, đổi mới của báo chí
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), sáng 20/6, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), đã tổ chức Hội nghị Giao ban công tác báo chí tháng 6/2023.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Truyền thông nhanh góp phần quyết định thành công của báo chí
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các cơ quan báo chí đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tuyên truyền những thành tựu, kết quả đã đạt được, cũng như các mục tiêu đặt ra trong nửa cuối nhiệm kỳ, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
"Báo chí cách mạng Việt Nam khẳng định được vai trò, vị thế của dòng chảy thông tin chính thống, chủ đạo, luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tin tưởng, đồng hành của bạn đọc, công chúng trong nước và quốc tế. Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng báo chí nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại đã đạt được nhiều kết quả tích cực", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói và nhấn mạnh "các cơ quan báo chí đã ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng những nền tảng hiện đại nhất để khẳng định chủ quyền thông tin trên sóng phát thanh, truyền hình, không gian mạng".
Công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông chính sách của báo chí ngày càng tốt hơn cả những vấn đề thường xuyên lẫn những vấn đề nhạy cảm, phức tạp.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cùng hệ thống văn bản pháp lý đã có bước tiến rất tốt, vừa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đồng thời phân cấp ngày càng rõ hơn, xác định trách nhiệm cơ quan chủ quản, lãnh đạo đơn vị báo chí.
Về những khó khăn, thách thức, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng báo chí cần có thêm nhiều tác phẩm sâu sắc, chủ động định hướng tư tưởng kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. "Truyền thông nhanh là một trong những yếu tố quyết định thành công của hoạt động báo chí cách mạng. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác phát ngôn kịp thời, nhất là đối với những vấn đề nổi cộm về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội".
Báo chí cần phải tăng cường đấu tranh với những người lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí có những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cần gắn liền với dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước như 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, qua đó đúc rút các bài học kinh nghiệm, lý luận phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam và tầm nhìn những năm tiếp theo.
"Các cơ quan báo chí cần tiếp tục lan toả mạnh mẽ sứ mệnh thông tin tuyên truyền, một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Đây là vinh dự, trách nhiệm của các cơ quan báo chí", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ và đề nghị các cơ quan báo chí tích cực phản ánh thực tiễn, có chiều sâu, bám sát các nội dung, vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy hơn nữa chức năng phản biện xã hội; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quan điểm nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho ý kiến, gợi mở phương hướng xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động thuận lợi, tăng cường tính chiến đấu; rà soát chất lượng, thống nhất tiêu chí hệ thống đào tạo báo chí…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cần tiếp tục quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực, vững vàng, bản lĩnh về đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, lấy kết quả công tác và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm hành trang hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo chí đồng hành với động lực, chính sách phát triển mới
Phát biểu tại giao ban, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và đội ngũ những người làm báo cả nước nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Phó Thủ tướng khẳng định trải qua 98 năm được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, đem đến cho công chúng, độc giả những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống, khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tuyên truyền, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực.
Báo chí đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin tại những điểm nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh quốc phòng… với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác, tạo sức mạnh tổng hợp cho xã hội. Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí bản lĩnh, sự tìm tòi sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, nguy hiểm.
Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động giao ban báo chí với sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí về những vấn đề đang được người dân, dư luận xã hội quan tâm. Từ đó giúp lan toả, kết nối hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuống địa phương hiệu quả hơn, đến gần hơn với người dân.
Trao đổi thêm về một số thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang.
"Đây là thời điểm có tính lịch sử chấm dứt một giai đoạn phát triển đã qua. Những mâu thuẫn, khủng hoảng mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có những thay đổi về mô hình phát triển, chuyển từ khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sang sử dụng tài nguyên số, năng lượng tái tạo, phục hồi tài nguyên thiên nhiên. Hai xu hướng chuyển đổi lớn của thế giới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cùng với chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược", Phó Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh tầm quan trọng của những chính sách chuẩn bị cho những sự thay đổi trên.
Nêu ví dụ về chính sách thuế carbon của các nước phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không có sự đổi mới, nhận thức đầy đủ mà tiếp tục đi theo lối cũ thì đây chính là những rào cản, thách thức rất lớn và mới đối với sự phát triển của đất nước.
Trao đổi về một số động lực mới cho phát triển, Phó Thủ tướng cho biết triển khai quy hoạch năng lượng sẽ là khâu đột phá để thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh năng lượng với trụ cột là năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo.
"Chúng ta cần khẩn trương có những cơ chế, chính sách triển khai Quy hoạch Điện VIII, phát triển năng lượng tái tạo bao gồm sản xuất điện năng, các nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh. Với tiềm năng 600 GW điện gió ngoài khơi, trong khi nhu cầu năng lượng trong nước khoảng 60 GW, thì Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu điện hoặc sản xuất các dạng nhiên liệu xanh, thay thế cho nguồn nhiên liệu hoá thạch", Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xây dựng, lĩnh vực y tế, sách giáo khoa… và sẽ được thông tin kịp thời, chính xác nhất trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ.
Phó Thủ tướng cho biết trong tháng 6/2023, 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) sẽ được triển khai đồng loạt. Những bước cải cách này vừa tháo gỡ những khó khăn hiện tại, vừa chuẩn bị kiến tạo cho những chính sách mới.
"Chính phủ mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với các bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền, vận động, khích lệ người dân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; luôn luôn lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, phản hồi từ chuyên gia, nhà khoa học, người dân… để thực hiện tốt nhất trách nhiệm phục vụ nhân dân", Phó Thủ tướng nói.
Tổng kết kinh nghiệm, đúc rút lý luận tạo nền tảng phát triển mới
Đồng tình với kế hoạch tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần ôn lại quá khứ hào hùng, nâng cao hiểu biết, nhận thức, niềm tự hào về báo chí cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ.
Các bộ, ngành cần nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch. Đây không chỉ là sự kiện của ngành báo chí mà cả hệ thống chính trị sẽ cùng tham gia. Từ đó, ôn lại lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như vai trò, vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, làm rõ sứ mệnh và sự đổi mới của báo chí trong từng giai đoạn, nhằm đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, tạo nền tảng phát triển báo chí trong tương lai bền vững, xây dựng, củng cố truyền thống văn hoá của dân tộc thông qua góc nhìn báo chí.
Ghi nhận, biểu dương "những công việc vô cùng thầm lặng, như những đợt sóng ngầm", Phó Thủ tướng mong muốn tinh thần tiên phong, đổi mới, đi đầu của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam sẽ được phát huy trong các cấp, các ngành, tạo ra những phản ứng chính sách kịp thời, cùng nhau đoàn kết, đồng lòng nhất trí tiếp tục đổi mới.
Đánh giá công tác báo chí trong tuần qua, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Tống Văn Thanh cho biết: Trong tuần qua, nổi bật nhất của báo chí là tuyên truyền về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những kết quả nổi bật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay và thông tin về nhiệm vụ trọng tâm cho đến cuối nhiệm kỳ; thông tin về hoạt động của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền đậm nét, sâu sắc hoạt động kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Chất lượng, chất liệu cho tuyên truyền đợt này được tạo dựng từ sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện rất rõ nét qua việc Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các cơ quan báo chí, tổ chức trao Giải Diên Hồng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí chủ lực và đánh giá các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, chỉ đạo thông tin tuyên truyền trong thời gian tới
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí, cấp hội nhà báo. Với các kết quả đạt được bước đầu, Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị các cấp uỷ, lãnh đạo các cấp hội, cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm trong triển khai phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể. Đây là phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, lâu dài. Quá trình thực hiện cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm tôn vinh, biểu dương những đơn vị, cá nhân điển hình, kịp thời chấn chỉnh những vấn đề chưa đúng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã thông tin một số nội dung trọng tâm trong kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025.
Theo Báo Chính phủ