Hội nghị công bố chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam
Chiều 3/6, tại Nghệ An, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị công bố “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.”
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.
Theo đó, Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam) và Hội thảo về Quy hoạch không gian biển quốc gia được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường và Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.
“Chúng tôi mong muốn đến năm 2050, toàn bộ các vùng biển Việt Nam được quản lý hiệu quả và sử dụng bền vững theo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức chống chịu, sức tải môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo và hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định biển và hải đảo của Việt Nam đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau, nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Vì thế, việc tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp, thăm dò và phát triển năng lượng, quy hoạch, đầu tư và môi trường là rất quan trọng để thực hiện thành công chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của quốc tế về chuyển giao công nghệ, tài chính bền vững sẽ rất cần thiết để thúc đẩy cho sự thay đổi và cũng là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết 48. “Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị công bố chiến lược cho biết, với lợi thế là tỉnh có đường bờ biển dài 82km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, trong thời gian qua, Nghệ An luôn xác định việc phát triển kinh tế biển không những tạo động lực cho kinh tế của tỉnh phát triển, mà còn góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
"Nghệ An cũng sẽ kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị, khu du lịch ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững," ông Đệ chia sẻ.
Qua đó, Nghệ An sẽ từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh tại hội nghị cũng cho biết, công tác bảo vệ môi trường cũng được tỉnh này đặc biệt quan tâm, sau sự cố môi trường biển tháng 4/2016, tỉnh đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành Trung ương giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty Formosa. Đến tháng 9/2020, Công ty Formosa đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính và đầu tư đầy đủ các hạng mục xử lý môi trường bổ sung. Hoạt động của Công ty Formosa ổn định, gắn với bảo vệ môi trường và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực.
Ngoài dự án Formosa, các cơ sở có phát sinh nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh (như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh…) đều được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải và truyền trực tiếp số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.
Nguyễn Công