Phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ mua bán động vật hoang dã trên mạng xã hội
Trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) của ENV đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo ĐVHD trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác.
Giải cứu hai cá thể hổ bị buôn bán gần cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. (Ảnh: VnExpress) |
Trong những năm gần đây, các vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) trên mạng xã hội đang gia tăng một cách đáng báo động.
Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che dấu danh tính của Internet và đặc biệt là các mạng xã hội, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm ĐVHD trên Internet.
Ngày 27/5, thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy chỉ trong năm 2019, Phòng Bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác.
Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020 với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30/4/2020.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người dân sẵn sàng hỗ trợ giám sát và thông báo các vi phạm về ĐVHD trên Internet. Các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Lazada hay Shopee cũng đang chung tay cùng ENV trong việc xóa bỏ các vi phạm về ĐVHD trên Internet.
Hơn cả, cơ quan thực thi pháp luật tại nhiều địa phương đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của các đối tượng buôn bán trên Internet và đang dần quen với việc xử lý các đối tượng này.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích pháp luật và khuyến khích các đối tượng chấp hành quy định pháp luật về ĐVHD, trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đã theo dõi, kiểm tra nhà/cơ sở kinh doanh của các đối tượng vi phạm và phát hiện, tịch thu nhiều tang vật cũng như áp dụng những hình phạt thích đáng với các đối tượng này.
Cụ thể, ngày 5/5/2020 tại Đà Nẵng, cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt 1 đối tượng 11,2 triệu đồng vì nuôi nhốt và quảng cáo bán trái phép 12 cá thể chim săn mồi.
Ngày 12/5/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng vừa xử phúc thẩm và tuyên phạt đối tượng Phạm Thị Thuận trú tại huyện Thăng Bình 5 năm tù giam và 60 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm.
Cũng trong tháng 5/2020, từ thông tin ENV cung cấp, Facebook đã gỡ bỏ hoàn toàn 277 bài viết quảng cáo buôn bán động vật hoang dã trên nhóm “Hội Anh Em Ba Miền” ở Việt Nam và cảnh báo sẽ vô hiệu hóa nhóm này nếu tiếp tục ghi nhận các bài viết vi phạm. Đây là một nhóm Facebook đã hoạt động từ rất lâu, thường xuyên có các thành viên rao bán động vật hoang dã hay các sản phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, da hổ, vảy tê tê, móng gấu...
Trước đó, ngày 29/2/2020, Tòa án Nhân dân huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức T. (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) 36 tháng tù giam về hành vi vận chuyển trái phép 1 bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa
Liên tiếp những vụ phát hiện, tịch thu tang vật và bắt giữ các đối tượng vi phạm về ĐVHD trên Internet trong suốt thời gian gần đây đang cho thấy sự nỗ lực, tích cực của cơ quan chức năng các địa phương đối với loại hình tội phạm mới này.
Tang vật sừng tê giác được buôn bán trên Facebook bị lực lượng công an thu giữ. |
Với sự vào cuộc và giám sát từ cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại điện tử trên Internet cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, Internet đã không còn là “khu vực an toàn” để các đối tượng lợi dụng che dấu hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD của mình.
Bà Bùi Thị Hà- Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Buôn bán ĐVHD dù là trên Internet cũng đã không còn an toàn! ENV trân trọng cảm ơn cộng đồng, các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội đã chung tay cùng ENV trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD. ENV đặc biệt hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, theo dõi và xử lý các đối tượng vi phạm về ĐHVD trên Internet thời gian qua. ENV hi vọng những bài học đắt giá về hậu quả của hành vi buôn bán ĐVHD sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã đang và hi vọng sẽ làm giàu từ buôn bán ĐVHD trái phép. ENV cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy và tích cực hành động để đẩy lùi tội phạm về ĐVHD trên Internet nói riêng và xóa bỏ hoàn toàn tội phạm về ĐVHD khỏi xã hội nói chung”.
Theo các chuyên gia đánh giá, khoảng 70% dịch bệnh nguy hiểm cho con người có nguồn gốc từ ĐVHD. Hậu quả của dịch Covid-19 cùng với những báo cáo khoa học mới cho thấy nhiều khả năng dịch bệnh này có nguồn gốc từ ĐVHD chính là lời cảnh báo cho thấy loài người phải hành động ngay lập tức, chấm dứt các hành vi vi phạm về ĐVHD trái phép, không để các loài virus nguy hiểm khác ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người và gây ra những thiệt hại không đáng có tới nền kinh tế.
Trong kiến nghị tới Chính phủ về các giải pháp đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng cũng như vì mục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã đề nghị Chính phủ cần ban hành các quy định bắt buộc với tất cả các nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để xóa bỏ mọi giao dịch, quảng cáo bán ĐVHD bất hợp pháp.
Hoàng Anh