Chủ nhật, 28/04/2024 16:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/10/2022 14:10 (GMT+7)

Phát động Chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng tại Việt Nam, Lào, Campuchia

Theo dõi KTMT trên

Để giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa ra mắt “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị”.

Rủi ro về sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên

Việt Nam nằm ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng, nơi được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Sự đa dạng sinh học này hỗ trợ sinh kế cho hàng chục triệu người dân của các quốc gia Đông Nam Á. WWF-Việt Nam được thành lập với sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực và xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho con người nơi đây.

Tuy nhiên, rất nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân bao gồm sinh cảnh bị thu hẹp và suy thoái, phát triển cơ sở hạ tầng bất hợp lý, biến đổi khí hậu, nông nghiệp không bền vững và săn bắt trái phép. 

Mới đây, để giảm thiểu nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa ra mắt “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị”. Trong đó nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang phải đối mặt, đó là rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Phát động Chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng tại Việt Nam, Lào, Campuchia - Ảnh 1
Họp báo phát động "Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị". (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Theo đó, chiến dịch sẽ bao gồm nhiều hoạt động gồm trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng, đặc biệt những loài như cầy hương, khỉ và tê tê - những loài hay bị tiêu thụ nhiều nhất. 

Được biết, Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia cho thấy mức độ sử dụng thịt động vật hoang dã cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Buôn bán động vật hoang dã góp phần gây ra các thảm họa, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường và các loài hoang dã, mà còn tới sức khỏe và an toàn của chính con người.

Với mục tiêu xây dựng một chiến dịch dựa vào động cơ của người tiêu dùng, Chiến dịch hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng và công chúng nói chung hiểu ra rằng tiêu thụ thịt thú rừng không đáng để họ đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người".

Theo lãnh đạo WWF Việt Nam, ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động. Trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gen quý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ buôn bán động vật

Thực tế, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. 

Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.

Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật. 

Nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.

Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Điển hình như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H5N1) và bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, việc buôn bán động vật hoang dã nguy cơ sẽ góp phần gây ra các thảm họa, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường và các loài hoang dã, mà còn tới sức khỏe và an toàn của chính con người.

Mặc dù động vật không phải là nguyên nhân chính gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh kể trên, nhưng khi chúng sống trong môi trường tự nhiên thì hầu hết các mầm bệnh chúng mang theo khó có thể đe dọa tới con người. Trong đó, các hành vi đặc biệt nguy hiểm và có rủi ro cao nhất là hoạt động săn bắt trộm, vận chuyển, buôn bán, chế biến và ăn thịt động vật hoang dã.

Trao đổi về vấn đề này, bà Jan Vertefeuille - Cố vấn cấp cao về Vận động Chính sách của WWF-Hoa Kỳ cho biết dù chúng ta có thể không xác định được chính xác nơi mà đại dịch mới sẽ bùng phát, nhưng chúng ta đã xác định được các hành vi như ăn thịt thú rừng làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

“Do đó, phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo,” bà Jan Vertefeuille nhấn mạnh

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát động Chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới