Công ty TNHH Golden bị xử phạt 55 triệu do vi phạm cam kết bảo vệ môi trường
Mới đây, UBND TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH Golden vì hành vi thay đổi công nghệ sản xuất và tăng lưu lượng nước thải phát sinh với nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường.
Theo quyết định xử phạt, ngành chức năng TP. Biên Hòa xác định Công ty TNHH Golden do ông Lee Sung Chil làm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là: Thay đổi công nghệ sản xuất và tăng lưu lượng nước thải phát sinh với nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan thẩm quyền cấp phép trước đó.
Với vi phạm nêu trên, Công ty TNHH Golden Golden bị xử phạt vi phạm hành chính là 55 triệu đồng được áp dụng tại quy định Điểm đ, Khoản 1, Điều 11 Nghị định 45/2022 của Chính phủ. Trong thời gian 10 ngày, Công ty TNHH Golden phải chấp hành quyết định xử phạt nếu không sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Theo tim hiểu, Công ty TNHH Golden trụ sở hoạt động nằm trong Khu công nghiệp Tam Phước, được ngành chức năng cấp phép hoạt động từ tháng 7/2012 và chuyên sản xuất phụ kiện bằng kim loại dành cho ngành giày da, may mặc.
Theo Luật sư Phan Văn Tú- Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. xả thải vào nguồn nước đều được phải được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Và Giấy phép môi trường là hồ sơ môi trường bắt buộc đối với tất cả các cơ sở, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có công trình xử lý chất thải (nước thải, không khí, chất thải rắn, chất thải y tế và chất thải nguy ngại,…). Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 4 Điều 30 Nghị định 08/2022NĐ-CP quy định đối tượng cấp lại giấy phép môi trường và thời điểm chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường được quy định như sau:
Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi hết hạn 06 tháng;
Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc tăng, thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường;
Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện thu hút đầu tư các ngành, nghề đó (trừ trường hợp ngành, nghề hoặc dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đó khi đi vào vận hành không phá sinh nước thải công nghiệp phải xử lý để bảo đảm đạt điều kiện tiếp nhận nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung);
Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi tăng số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường.
T.T