Thứ sáu, 29/03/2024 02:44 (GMT+7)
Thứ tư, 16/12/2020 10:40 (GMT+7)

Pháp luật môi trường đối với doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn giúp bản thân doanh nghiệp tự nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng và ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, trong đó cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên. 

Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn giúp bản thân doanh nghiệp tự nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.

Có thể nói, hiện nay pháp luật Việt Nam điều chỉnh các vấn đề về môi trường khá đầy đủ cả nội dung và hình thức, điều chỉnh tương đối chặt chẽ các thành tố tạo nên môi trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực này có Hiến pháp, Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường… Liên quan tới từng lĩnh vực có các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Thuế tài nguyên môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản…

Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”. Trong tình hình kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao như hiện nay, nhờ các chính sách mở cửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, lớn mạnh của các doanh nghiệp. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy, công trình đã và đang mọc lên trên mọi miền đất nước. Vì vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Pháp luật môi trường đối với doanh nghiệp - Ảnh 1
LS Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú.

Lợi ích gì khi doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường?

Việc tham gia trực tiếp và tích cực của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường không chỉ có lợi cho sự bền vững lâu dài mà còn là nhu cầu cấp thiết trong việc kinh doanh; mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp:

Thứ nhất, việc tích cực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp. Cùng với sự gia tăng nhận thức của xã hội, người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vào bảo vệ môi trường sẽ góp phần tạo ra sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dung đối với chính doanh nghiệp, đối với chính những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn.

Thứ hai, khi tham gia đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, nếu các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng góp phần bảo vệ môi trường có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên nhưng trong dài hạn thì sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu giảm, các chi phí liên quan đến pháp lý bảo vệ môi trường, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Chính vì vậy, trong dài hạn thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Thứ ba, việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường sẽ giúp doanh nghiệp không gặp rủi ro về pháp lý, thanh kiểm tra và chế tài xử phạt. Theo Nghị định số 155/2016, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính từ mức thấp nhất là vài chục triệu đồng đến mức cao nhất là 1-2 tỉ đồng nếu vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực tế, trong thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt nặng, bị truy tố trách nhiệm hình sự do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn bị người tiêu dùng, toàn xã hội tẩy chay, lên án trước những hành vi vi phạm về môi trường.

Thứ tư, hiện nay tiêu chí phát triển bền vững kinh tế - môi trường đang được cân nhắc, xem xét và ưu tiên nhiều hơn trong chính sách pháp luật về môi trường, cũng như trong hợp tác – kinh doanh – kêu gọi đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và ưu thế trong hoạt động đầu tư, được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, vừa thể hiện tốt trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp đối với cộng đồng, đáp ứng được thị hiếu của thị trường: tiêu dung ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ từ các thương hiệu có hành động bảo vệ môi trường.

Công tác bảo vệ môi trường được đầu tư và có kế hoạch dài hạn sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đây sẽ là nền tảng bền vững để doanh nghiệp có thể đi đường dài hơn trong quá trình hội nhập.

Đề xuất, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường

Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất nhưng các doanh nghiệp đã thực hiện tương đối tốt trách nhiệm xã hội và tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đang gặp không ít thách thức, khó khăn, cụ thể:

- Các quy định pháp luật về môi trường ngày càng nhiều, được quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thanh kiểm tra, Luật Thuế bảo vệ môi trường và rất nhiều các Nghị định, Thông tư khác khiến doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng thực hiện.

- Các doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên trách về môi trường. Đây là một thực trạng phổ biến khi vị trí quản lý tại doanh nghiệp còn đang phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau như điều hành sản xuất, nhân sự, kế toán. Trong khi đó công tác quản lý môi trường hầu như đều được thực hiện định kỳ hàng năm, quy định pháp luật liên tục cập nhật, thay đổi, bổ sung. Điều này gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

- Chưa có một chính sách cụ thể nào dành riêng cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó kinh phí để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Trước những khó khăn trên, một số giải pháp để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là:

* Đối với doanh nghiệp:

- Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thương mại nói riêng, tiến tới thay đổi hành vi của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt áp dụng giải pháp công nghệ sạch. Nhận thức được vai trò của mình trong công tác bảo vệ môi trường, đó chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển kinh doanh một cách bền vững lâu dài.

- Nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: thực hiện báo cáo đánh giá tác động và cam kết bảo vệ môi trường khi có kế hoạch triển khai đầu tư dự án, đóng phí bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xả thải phù hợp…

- Tăng cường tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường, tiếp cận và cập nhật các kiến thức về pháp luật để từ đó xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường phù hợp. Đồng thời liên tục cập nhật các quy định pháp luật môi trường trong nước để nắm bắt được những quy định về thuế, phí môi trường; quy định về xử phạt vi phạm hành chính…

- Tiến hành cải tiến công nghệ: Cải tiến nâng cao kỹ thuật của các trang thiết bị xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả của công tác, góp phần hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường; thay đổi công nghệ độc hại gây ô nhiễm môi trường bằng các công nghệ sạch, ít hoặc không gây ô nhiễm; đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo hai hướng: khuyến khích nghiên cứu thiết kế thiết bị, dây chuyền công nghệ có thể sản xuất trong nước đồng thời nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài đảm bảo cho việc xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng phương pháp sản xuất sạch để hướng tới sự phát triển bền vững.

- Nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể và hiệu quả, khai thác tối đa những tiềm năng vốn có của doanh nghiệp, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước. Nghiên cứu các biện pháp khác nhằm nâng cao năng lực tài chính của mình, từ đó có thêm kinh phí đầu tư cho việc bảo vệ môi trường.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại doanh nghiệp như: có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về môi trường; đầu tư xây dựng tổ chức quản lý môi trường trong doanh nghiệp, chuyên môn hóa cán bộ quản lý môi trường trong doanh nghiệp như đó phải là những người am hiểu các hoạt động của công ty, am hiểu về kỹ thuật cũng như văn bản pháp luật, có năng lực khoa học công nghệ và môi trường, am hiểu về hệ thống tiêu chuẩn môi trường…

- Kiến nghị với các Bộ, ngành trung ương để được hỗ trợ và giúp đỡ.

* Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và công nghệ tiên tiến.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, và các quy định liên quan đến môi trường trong các ngành luật, phát huy đồng bộ sức mạnh của các biện pháp được quy định trong luật hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là các biện pháp kinh tế để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Cung cấp thông tin về các trường hợp doanh nghiệp điển hình trong cả nước để nhân rộng mô hình làm tốt công tác quản lý môi trường và hiệu quả kinh tế; tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường cho các doanh nghiệp.

- Nghiên cứu thiết lập các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính đột phá nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ môi trường. Vận dụng linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam như các loại thuế, phí, đặt cọc hoàn trả, quyền phát thải và mua bán phát thải theo hạn ngạch cho bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp.

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương tới địa phương, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường trong các doanh nghiệp, tăng vai trò giám sát và phối hợp của người dân và các cơ quan quản lý địa phương đối với doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

- Rà soát, chỉnh sửa và bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp kết nối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiện nay, khi các Hiệp định thương mại tự do bắt đầu đầu có hiệu lực thực hiện, đòi hỏi rất lớn các doanh nghiệp trong nước phải có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường. Có như vậy mới có thể cạnh tranh, vươn tầm quốc gia, đưa các sản phẩm, công nghệ của Việt Nam phát triển ra thế giới. Muốn đạt được mục tiêu như vậy, các doanh nghiệp phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển của mình, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh sạch đẹp nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

LS Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú

Bạn đang đọc bài viết Pháp luật môi trường đối với doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…
Hưởng ứng ngày Chủ nhật Xanh lần thứ 152
Mới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thành phố cùng các đơn vị phối hợp tổ chức Lễ ra quân Ngày chủ nhật xanh lần thứ 152 với các hoạt động thiết thực tại phường Thới An, Quận 12.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.