Thứ bảy, 20/04/2024 16:10 (GMT+7)
Thứ hai, 09/11/2020 10:19 (GMT+7)

Phần lớn nước thải sinh hoạt không được xử lý khi đổ ra sông

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, để khắc phục tình trạng ô nhiễm các dòng sông, quan trọng nhất là kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là các làng nghề và nước thải sinh hoạt. Chắc 60-90% nước thải sinh hoạt vẫn chưa được xử lý.

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, một số nghị quyết của nhiệm kỳ khóa XIII.

Đây là hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV (diễn ra trong các ngày 6, 9 và 10/11), nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội thời gian qua. 

Tại phiên chất vấn sáng 9/11, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) chất vấn về tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân tỉnh Hà Nam. Ông Thế nói rằng đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ ông chất vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà.

Phần lớn nước thải sinh hoạt không được xử lý khi đổ ra sông - Ảnh 1
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Trả lời, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói không chỉ lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mà các lưu vực sông trong cả nước đều đang đứng trước xu thế ô nhiễm, chưa được khắc phục triệt để. Riêng lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy có khoảng 65% nguồn thải từ khu vực Hà Nội, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt.

Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư trên 20.000 tỉ đồng để giám sát, xây dựng các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn như Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình..., xử lý nạo vét cũng như trồng lại rừng đầu nguồn.

Theo ông Hà, bài toán quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát nước thải sinh hoạt, còn với các khu công nghiệp, làng nghề ở Hà Nội đã bước đầu được đầu tư hệ thống xử lý; dự kiến năm 2021, một số công trình sẽ hoàn thành.

Ở Hà Nam đã đầu tư ba trạm xử lý, Nam Định có các trạm xử lý nước thải đối với chất thải rắn, đầu tư các trạm để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Theo đánh giá hiện nay, từ 60-90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý.

Giải pháp trước mắt, theo ông Hà là điều tiết trạm bơm, xử lý nước thải từ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch và sẽ vận hành trạm cống Thanh Liệt, trạm bơm Yên Sở, trong đó có việc đưa nước thải pha loãng ra sông Hồng cũng như hút nước sông Hồng pha loãng đối với giai đoạn ô nhiễm ở Hà Nam.

Về lâu dài cần thực hiện nghiêm túc theo luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó đối với những khu vực quá tải, kiên quyết không cho nước thải ra, xây dựng cơ chế đối tác công tư để xử lý nước thải sinh hoạt.

Phần lớn nước thải sinh hoạt không được xử lý khi đổ ra sông - Ảnh 2
Nồng độ chất ô nhiễm trên các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy trong các đợt ô nhiễm qua kiểm tra vượt nhiều lần giới hạn cho phép. (Ảnh: Báo TN-MT)

Ước tính mỗi ngày tại Hà Nội có đến hàng trăm ngàn mét khối nước thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt không qua xử lý đổ trực tiếp ra các dòng sông.

Chỉ riêng hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy đã có đến 700 nguồn nước thải đổ vào với khối lượng 80.000 m3 mỗi ngày. Hàng năm, khi hết mùa mưa, những con sông làm nhiệm vụ thoát nước lại rơi vào tình trạng cạn trơ đáy, chất thải hữu cơ đổ xuống sông đều bị phân hủy tại chỗ, gây ô nhiễm. Vì vậy, sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ hay sông Nhuệ lúc nào cũng đen kịt, đặc quánh, rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt sông.

Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng của các sông, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm “làm sống lại” những dòng sông chết này. Trong đó, có các giải pháp như phối hợp với các đơn vị xí nghiệp môi trường, các công ty cấp thoát nước trên địa bàn Thủ đô tăng cường công nhân vớt rác; sử dụng các bè thuỷ sinh trên sông; pha loãng mức độ ô nhiễm bằng nguồn nước từ sông Hồng...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các con sông Hà Nội vẫn mang trong mình hình ảnh của những “dòng sông chết” với một màu đen đặc quen thuộc, cũng như ngày ngày bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân nhất là khu vực dân cư sống ven bờ sông.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Phần lớn nước thải sinh hoạt không được xử lý khi đổ ra sông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới