Thứ sáu, 10/01/2025 14:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/01/2025 06:43 (GMT+7)

PGS.TS Lưu Đức Hải: Cần bổ sung các quy định về phân loại rác tại nguồn

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cần bổ sung các thiếu hụt trong chiến lược và quy định phân loại rác tại nguồn.

PGS.TS Lưu Đức Hải: Cần bổ sung các quy định về phân loại rác tại nguồn - Ảnh 1

Theo Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".

Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh, thành trên cả nước vẫn còn đang loay hoay đi tìm phương án thích hợp trong việc triển việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này còn có chỗ chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm trong bối cảnh chính sách, giải pháp chưa đồng bộ và lo ngại về việc “phân loại rác, xử phạt sẽ đánh trống bỏ dùi”.

Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Thưa PGS.TS Lưu Đức Hải, ông có thể khái quát về tình hình phát sinh rác thải hiện nay tại Việt Nam cũng như vấn đề phân loại, quản lý rác thải?

PGS.TS Lưu Đức Hải:

Trước khi bàn đến tình hình phát sinh và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cần phải biết rõ khái niệm 3R (3R là từ viết tắt ba chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce - Reuse - Recycle. Theo nghĩa tiếng Việt là: Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế, gọi tắt là 3T. Đây là giải pháp quen thuộc đối với nhiều nước phát triển trên thế giới như Singapore, Anh, Nhật…). Thứ tự ưu tiên là: Tiết giảm và Tái sử dụng à Tái chế.

Chúng ta đang quan tâm nhiều tới rác thải sinh hoạt (RTSH), còn loại hình chất thải rắn xây dựng (chiếm từ 15-16% CTRSH đô thị) chưa quan tâm. Hệ lụy từ cách làm hiện nay là: lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường (đốt RTSH cũng gây ô nhiễm môi trường), nhập RTSH đã phân loại từ nước ngoài sẽ mất ngoại tệ.

Rác thải về bản chất tại mỗi gia đình hay chung cư và cửa hàng có rất nhiều loại (ít nhất 30-50 loại, ngay nhựa cùng có 6-7 loại nếu muốn tái chế phải tách riêng ra chứ không tái chế chung được) ở nơi phát sinh rác thải có thể là tài nguyên, nhưng khi gom lại (sau 2-7 ngày) đưa đến bãi rác hay khu liên hợp xử lý nó chỉ là rác chỉ để xử lý (đốt hay chôn lấp).

Hiện nay có rất nhiều mô hình thử nghiệm phân loại rác thải tại nguồn áp dụng tại rất nhiều thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, v.v.) nhưng chỉ vận hành mang tính chất "trình diễn" theo dự án tài trợ của tổ chức nước ngoài hay ngân sách. Nhưng tất cả đều không thành công với các lý do: thiếu xe chuyên dụng, thiếu nơi chứa đựng hay nhận thức của người dân chưa cao.

Theo quy định, từ 1/1/2025 sẽ tiến hành xử phạt nếu không phân loại rác thải tại nguồn. Theo PGS.TS, giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân?

Tiến hành xử phạt hành chính từ ngày 1/1/2025 về lỗi phân loại rác thải rắn, nếu không có sự nghiên cứu bổ sung các thiếu hụt trong chiến lược và quy định phân loại rác tại nguồn hiện nay, cuộc ra quân sẽ có thể dẫn đến “đánh trống bỏ dùi”.

Ví dụ, trong chung cư, không gian hạn chế khiến việc phân loại rác chi tiết khó thực hiện. Phân loại 2-3 loại như ở chung cư cao cấp đã là tốt, nhưng chung cư nhỏ vẫn chỉ có một họng rác chung. Việc phân loại cũng không hiệu quả khi không thể kiểm soát ai phân loại đúng và nếu rác bị bỏ nhầm thùng, vẫn không đạt được hiệu quả tái chế.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một giải pháp để giải quyết tất cả các hệ lụy về kinh tế và môi trường. Nhưng câu hỏi: chúng ta đã chuẩn bị gì cho phân loại rác thải tại nguồn ?; phân loại rồi để làm gì ?

Để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn thì sau khi phân loại, sản phẩm phân loại phải đưa được vào các nhà máy thay cho việc nhập rác thải đã phân loại như nói trên từ nước ngoài.

Ở nơi phát sinh rác thải có thể là tài nguyên, nhưng khi gom lại (sau 2-7 ngày) đưa đến bãi rác hay khu liên hợp xử lý nó chỉ là rác chỉ để xử lý (đốt hay chôn lấp). Ở gia đình hay chung cư không có không gian cho việc phân loại chi tiết đó, lên bãi rác hay khu xử lý tập trung của tỉnh hay thành phố nó không còn giá trị tài nguyên nữa !

Như vậy, hai chữ R đầu gần như đã mất khi rác thải đưa lên bãi rác hay khu xử lý tập trung, chỉ còn laị chữ R thứ ba là tái chế (Recycle)! Quả là uổng phí !.

Các lý do: khó kiểm soát và không rõ cái đích của quy định phân loại rác tại nguồn hay cân đong rác như quy định chắc chắn sẽ dẫn đến việc phát động phong trào, các lực lượng giám sát vào cuộc cũng không dẫn đến kết quả mong muốn, có khi sẽ phải dừng lại. Hay nói cách khác, nếu không có sự nghiên cứu bổ sung các thiếu hụt trong chiến lược và quy định phân loại rác tại nguồn hiện nay, cuộc ra quân sẽ có thể dẫn đến “đánh trống bỏ dùi” như câu hỏi của phóng viên.

PGS.TS Lưu Đức Hải: Cần bổ sung các quy định về phân loại rác tại nguồn - Ảnh 2

Vậy chúng ta cần làm gì để biến rác thành tài nguyên?

Để biến rác thải thành rác tài nguyên theo chiến lược và quy định của Bộ TN&M còn thiếu hụt về cơ sở hạ tầng để phân loại chi tiết rác thải thành tài nguyên hay cơ sở tái chế và thiếu thị trường kinh doanh sản phẩm sau phân loại.

Việc phân loại rác thải rắn cần linh hoạt theo điều kiện từng địa phương, dựa trên thành phần rác, hạ tầng và nhà máy tái chế hiện có, để tránh lãng phí và chi phí vận chuyển cao. Ngoài ra, cần quan tâm đến các loại chất thải rắn khác như xây dựng, chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp và ưu tiên tái chế thay vì đốt, nhằm tận dụng tối đa tài nguyên.

Các mô hình phân loại rác hiện nay không đưa rác thải sau phân loại vào nơi tái chế thay cho nhập khẩu, không biến nó thành tiền được. Thất bại là điều chắc. Bây giờ nếu ta chỉ nghĩ đến yêu cầu phân loại thành 2-3 loại như quy định mà Bộ TN&MT đặt ra thì không có hiệu quả. Các hình thức xử phạt khó có thể áp dụng được vì lấy gì để kiểm soát sự phân loại đó, và cái quan trọng nhất là phân thành 2-3 loại để làm gì nếu không đưa vào nơi tái chế được; nhất là với các khu phố đông dân cự hay các nhà chung cư, cửa hàng.

Có 2 cái thiếu để biến rác thải thành tài nguyên mà chiến lược và quy định của Bộ TN&MT chưa nhận thấy là: thiếu hạ tầng để phân loại chi tiết rác thải thành tài nguyên đưa vào các nhà máy hay cơ sở tái chế và thiếu thị trường kinh doanh sản phẩm sau phân loại.

Rác thải có thể tái chế hay tái sử dụng được nếu có được không gian để được 20-30 chục thùng chứa sau phân loại ở gần nơi phát sinh - hộ gia đình hay chung cư (vì đưa lên bãi rác hay khu xử lý tập trung một số chất thải hữu cơ có chứa trong rác sẽ làm hư hỏng các tài nguyên có thể trong rác sau 1-3 ngày đổ lẫn nhau). Nếu tốt nhất cần có nơi phân loại chi tiết tại từng phường hay một vài phường gần nhau và phân loại hàng ngày thì tài nguyên trong rác có thể thu được sau phân loại.

Vấn đề thứ 2 là cần có động lực cho sự phân loại chi tiết rác thải. Chúng ta chỉ suy nghĩ đến khía cạnh xử phạt làm động lực là không đúng. Tại sao không suy nghĩ là tài nguyên lấy ra từ rác có thể bán được tiền làm động lực?

Các ông bà ‘ve chai’ đang đi nhặt cái tài nguyên đó để lấy tiền từ rác là một ví dụ. Hay hàng nghìn người bới rác tại các bãi rác thành phố là cách thu hồi tài nguyên trong rác. Nhưng ở đây, ta phải thấy: các ông bà ‘ve chai’ chỉ nhặt một số loại ‘tài nguyên’ mà họ nghĩ là bán được tiền, chứ không lấy tất cả các tài nguyên có thể thu hồi từ rác. Mà các ông bà ‘ve chai’ sau khi nhặt như vậy họ phải chuyển cho trung gian để đến các làng nghề sống bằng nghề rác hoàn toàn chưa đảm bảo môi trường chứ không vào các nhà máy và hay cơ sở đang sử dụng ‘rải thải đã phân loại nhập từ nước ngoài’. Vậy, cần có thị trường cho sản phẩm sau phân loại từ nhỏ đến các nhà máy và cơ sở tái chế quy mô lớn (nhà máy hay cơ sở tái chế quy mô lớn không thể mua lẻ từ các ông bà ‘ve chai’ hay người dân khi phát sinh rác thải có thể tái chế được khi họ tự tách ra từ rác thải mang đến.

Thưa PGS.TS Lưu Đức Hải, vậy theo ông giải pháp để giải quyết vấn đề phân loại rác tại nguồn hiệu quả là gì?

Chúng ta cứ đổ lỗi cho nhận thức hay ý thức người dân mà không thấy sự thiếu hụt trong chiến lược và quy định của nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, nếu chúng ta tạo ra hạ tầng và thị trường cho các cơ sở phân loại chi tiết rác thải thì lợi ích của tài nguyên thu hồi được do sự phân loại rác thải tại nguồn sẽ là động lực kinh tế cho sự phân loại rác thải tại nguồn mà không cần quá nhiều tuyên truyền giáo dục ý thức. Tôi còn nhớ năm 2010, tôi đến New York (Hoa Kỳ) và gặp một ông tỷ phú người Việt tên là Trường; ông ấy khoe với chúng tôi bằng câu hỏi: ‘Các anh có biết tại sao tôi thành tỷ phú không?" Và ông nói: 'Tôi trở thành tỷ phú sau 10 năm trúng thầu thu gom rác ở quận Mahattan thành phố New York vì tôi nhận được tiền thu gom rác từ thành phố và còn bán được sản phẩm rác thải sau phân loại từ rác đã thu gom!.

Tôi nghĩ rác là vấn đề chung của xã hội, nên chỉ người dân hay doanh nghiệp thu gom rác không giải quyết được vì các lý do tôi đã nói trên. Ví dụ: Cần có hạ tầng (diện tích không gian tối thiểu 1-200 m2) đất cho việc đặt cơ sở thu gom tại các phường, xóm. Cần có chính quyền vào cuộc, các cơ sở đó cần có tư cách pháp nhân và hưởng ưu đãi về thuế; cần có thị trường để kinh doanh sản phẩm tài nguyên sau phân loại từ rác, v.v. phải có Nhà nước và chính quyền vào cuộc. Mà cái đó cần xem lại ‘chiến lược’ và quy định phân loại rác tại nguồn để bổ sung cho nó đầy đủ và khả thi. Nếu có được điều đó, các ông bà ‘ve chai’ hay nhiều người nghèo khác sẵn sàng vào cuộc mà không cần tuyên truyền vận động thành phong trào ít có khả năng như hiện nay. Thực tế ta thấy rất nhiều địa phương, trong đó cả Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch triển khai phân loại rác tài nguồn từ ngày 1/1/2025 như Luật và Nghị định BVMT mong muốn.

Đối với các địa phương, mỗi nơi có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu phân loại phải đưa sản phẩm rác sau phân loại vào được các nhà máy hay cơ sở tái chế. Chuyển rác sau phân loại đi quá xa sẽ tốn kém và giảm lợi ích từ việc phân loại. Do đó, tùy điều kiện cụ thể của địa phương: thành phần và tính chất rác thải, hiện trạng nhà máy và các cơ sở tái chế hiện có (nhất là các nhà máy và cơ sở tái chế - giấy, bao bì, lon sắt, v.v.) tại địa phương hay nếu cần xây thêm để quy định việc phân loại cho thành phố / tỉnh mình.

Một điều nữa tôi cũng nói thêm: Cần chú ý đến các loại chất thải rắn khác (chất thải rắn xây dựng, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp – rơm rạ); cũng như không nên chỉ suy nghĩ đến việc đốt rác (ví dụ cần 3-4 kg gỗ mới tạo ra được 1 kg giấy, nếu dùng giấy mà đốt thay cho tái chế chúng ta đang lãng phí tài nguyên đó !).

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại một câu kinh điển: Hãy xem rác là một dạng tài nguyên khi đưa ra chiến lược hay quy định nào! khi đưa ra chiến lược hay quy định nào cần suy nghĩ đến các giải pháp thực hiện chứ không chỉ đưa ra mục tiêu. mọi chiến lược, chính sách lớn của nhà nước cần thực hiện đánh giá tác động xã hội trước khi ban hành.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Lưu Đức Hải!

Duy Khánh - H.An - Hạ Vy

Bạn đang đọc bài viết PGS.TS Lưu Đức Hải: Cần bổ sung các quy định về phân loại rác tại nguồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới