“Ôm” khối nợ 48,7 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận của Hòa Phát đi xuống?
Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của Tập đoàn Hoà Phát vẫn tiếp tục tăng trưởng cao đạt hơn 30.060 tỉ đồng. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 13%, chỉ đạt 3.860 tỉ đồng do các chi phí tăng vọt.
Công ty Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) vừa cập nhất kết quả kinh doanh trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, trong tháng 7, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng hơn 235 nghìn tấn, trong đó có 26,8 nghìn tấn xuất khẩu. Dây chuyền cán thép số 1 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất đóng góp trên 37 nghìn tấn, chiếm 15,7% sản lượng chung, còn lại là sản lượng từ Khu liên hợp tại Hải Dương.
Lũy kế 7 tháng qua, thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 1,5 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu là gần 148 nghìn tấn, tăng 35,2% so với 7 tháng đầu năm 2018. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Campuchia, Nhật Bản, Malaysia, Mỹ và một số quốc gia khác.
Mặc dù lượng tiêu thụ sản phẩm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đem lại doanh thu lớn cho Tập đoàn Hoà Phát trong năm nay, song lợi nhuận đang có dấu hiệu giảm đi. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng sản lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt hơn 1,34 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thép xây dựng xuất khẩu tăng 35% so với cùng kỳ. Ống thép Hòa Phát đã tiêu thụ được hơn 363 nghìn tấn ống thép các loại, tăng 15,6%...
Lợi nhuận thuần của Tập đoàn Hoà Phát đang bị “co” lại, chỉ còn 4.627 tỉ đồng |
Nhờ đó, doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 30.060 tỉ đồng tăng 10%. Nhưng lợi nhuận gộp giảm gần 200 tỉ đồng, chỉ đạt 5.647 tỉ đồng. Do các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng tăng mạnh lên lần lượt 227 tỉ đồng và 462 tỉ đồng, đặc biệt chi phí lãi vay tăng đột biến 58% lên tới 400 tỉ đồng, khiến cho lợi nhuận thuần bị “co” lại, chỉ còn 4.627 tỉ đồng, thấp hơn đáng kể so với năm trước.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt vượt mức 120 USD/tấn, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm 2018 đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép Việt Nam cũng như thế giới gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thép chững lại với lợi nhuận có xu hướng giảm đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm, Hoà Phát còn phải tăng chi phí thuế TNDN thêm 63 tỉ đồng nên lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát chỉ còn hơn 3.860 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về các khoản nợ, tổng tài sản Hoà Phát tại ngày 30/6/2019 đạt 93.017 tỉ đồng nhưng quy mô nợ phải trả đã tăng rất nhanh thêm 11.100 tỉ đồng trong 6 tháng qua, lên tới 48.762 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu mở rộng sản xuất, trong đó đầu tư xây dựng Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất, đã “ngốn” chi phí vốn đầu tư rất lớn. Báo cáo quý 2 cho thấy, Hoà Phát đã đầu tư chi phí xây dựng dở dang hơn 42.919 tỉ đồng vào dự án Dung Quất.
Nợ phải trả chủ yếu là nợ vay và thuê tài chính hơn 34.268 tỉ đồng. Các khoản vay nợ dài hạn từ các ngân hàng sẽ đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của Hoà Phát, song sẽ tiềm ẩn nghĩa vụ trả nợ hàng tỉ đô cùng khoản lãi vay phát sinh rất lớn. Tính trong 6 tháng qua, trung bình mỗi ngày tập đoàn này phải trả hơn 2,22 tỉ đồng chi phí lãi vay. Hoà Phát vẫn còn ghi nhận nợ lãi vay gần 222 tỉ đồng phải trả tại thời điểm cuối tháng 6/2019.
Giá cổ phiếu HPG miệt mài đi xuống "bốc hơi" 33% thị giá trong vòng 1 năm qua |
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HPG cũng cắm đầu lao dốc mạnh kể từ khi đạt đỉnh 27.385 đồng/CP vào đầu năm nay, hiện chỉ còn quanh mức 22.150 đồng/CP, tức giảm 19% trong vòng 6 tháng qua. Mức giá hiện tại về sát giá phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư là 20.000 đồng/CP nhằm huy động vốn triển khai dự án Dung Quất năm trước.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG giảm sâu cũng phản ánh khá “phù hợp” với kết quả lợi nhuận sụt giảm của Tập đoàn Hoà Phát trong nửa đầu năm nay. Nếu so với mức đỉnh xác lập 33.000 đồng/CP (giá sau chia tách cổ phiếu từ đợt phát hành tăng vốn), thị giá HPG đã “bốc hơi” tới gần 33% trong 1 năm qua.
Trung Thành