Thứ hai, 09/09/2024 14:32 (GMT+7)
Thứ hai, 04/04/2022 15:00 (GMT+7)

Ô nhiễm nguồn nước, vì sao vẫn đang là vấn nạn hiện nay?

Theo dõi KTMT trên

Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển của các khu công nghiệp và làng nghề cũng gây sức ép lớn tới môi trường, đòi hỏi các địa phương phải triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm nhằm hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, bền vững.

Nước thải công nghiệp là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng nhất 

Ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam hiện tác động nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Thống kê từ Bộ Y tế và Bộ TN&MT cho thấy, có đến 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Khảo sát 37 xã mang tên "làng ung thư" đã có 1136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra còn có 380 người các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.

Ô nhiễm môi trường nước, nguyên nhân chính được chỉ ra là do tình trạng xả thải trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Bàn về vấn đề này, GS.TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng, trong cơ chế chính sách thiếu sự đồng bộ từ nguồn phát sinh, khâu xử lý, kiểm soát trước khi xả thải và kiểm soát chất lượng nguồn tiếp nhận. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, theo thống kê khoảng 70% các khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có hệ thống xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Do đó, việc các địa phương phải chú trọng công tác quản lý, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Ô nhiễm nguồn nước, vì sao vẫn đang là vấn nạn hiện nay? - Ảnh 1
Ô nhiễm môi trường nước, nguyên nhân chính được chỉ ra là do tình trạng xả thải trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, mức độ xử phạt đối với các hiện tượng xả thải trái phép gây ô nhiễm nguồn nước chưa đủ sức răn đe. Thực tế, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt tại các sông suối, trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận. Bên cạnh lợi ích kinh tế, sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề cũng gây sức ép lớn tới môi trường, đòi hỏi các địa phương phải triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm nhằm hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, bền vững.

Trước thực trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, nhiều địa phương trong đó có Bắc Ninh đã lên kế hoạch di dời các làng nghề để hạn chế ô nhiễm tại chỗ. Đây là một giải pháp kịp thời và hiệu quả, trong đó quy định chất lượng nước thải sau xử lý của các khu cụm công nghiệp và các làng nghề. Đồng thời, phải tiến hành tuần hoàn lại 100% các hệ thống nước thải sau xử lý, vừa giúp tiết kiệm tài nguyên nước, vừa giảm được ô nhiễm ra nguồn tiếp nhận nước thải.

Hay tại các khu dân cư tập trung đông đúc như TP.HCM, Hà Nội, đặc biệt là Bình Dương - thủ phủ công nghiệp mới, tình trạng nước sông ô nhiễm nặng nề vẫn đang tiếp diễn. Phải chăng con người đã quá thờ ơ trước vấn nạn môi trường hay do nhận thức vẫn còn hạn chế. Bởi còn tình trạng xả thải trái phép thì vẫn còn những doanh nghiệp đề cao lợi ích cá nhân, sẵn sàng hủy hoại môi trường?.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên để triển khai có hiệu quả hay không thì không cần phải có sự đồng bộ từ Nhà nước, cộng đồng, cá nhân hay các tổ chức hiệp hội. Bởi chính sách pháp luật đi trước để định hướng các quy định thực hiện, trong đó quy hoạch các khu xử lý nước thải, các khu sản xuất công nghiệp có khả năng sinh ra nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, phải kiểm soát khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận nguồn nước xả thải.

Huy động nguồn lực vốn đầu tư tư nhân 

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua các tỉnh thành phố đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị doanh nghiệp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và làng nghề. Trong đó tập trung nhiều vào công tác xử lý nước thải tuần hoàn hoặc chất lượng nước thải sau xử lý đều đạt quy chuẩn kỹ thuật, cho phép xả thải ra môi trường, đặc biệt với các khu công nghiệp mới phải hoàn thành trạm xử lý nước thải trước khi thu hút đầu tư.

Theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân, việc tăng cường công tác kiểm tra đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng như tăng cường kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung là một trong những giải pháp trọng tâm hiện nay.  Ngoài ra, cần huy động xã hội hóa bởi nguồn lực còn hạn chế, do đây có thể là một gánh nặng cho đầu tư công.

Ô nhiễm nguồn nước, vì sao vẫn đang là vấn nạn hiện nay? - Ảnh 2
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng như tăng cường kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung là một trong những giải pháp trọng tâm.

Đề cập đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề Bộ trăn trở rất nhiều, từ hai nhiệm kỳ nay.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT và các địa phương không cấp phép cho một nhà máy mới nào có nước thải xả nước thải không đảm bảo ra sông Nhuệ. Các địa phương, lộ trình đến năm 2030, trong đó Hà Nội sẽ thu được toàn bộ nước thải sinh hoạt, và ở Hà Nội chiếm 60% tỷ lệ nước đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy chảy về Hà Nam, và như vậy thì đến năm 2030 Hà Nội mới thu được 90% và xử lý đạt tiêu chuẩn. Các làng nghề ở Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình chỉ chiếm 7%, Hà Nam chiếm 12% nước sinh hoạt, còn hiện nay tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp xả thải lớn thì Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng sẽ làm như sông Hồng. 

Hiện nay, đối với khu vực nguồn nước này, chúng ta phải có nguồn để bổ sung, thực chất là sông Sét, sông Tô Lịch chuyển nước thải, còn nước sông Nhuệ lấy từ sông Hồng vào để làm sạch và bổ sung nguồn nước. Chúng tôi cũng đề nghị các công trình thủy lợi, hiện nay chúng ta không chỉ thực hiện một mục tiêu là cung cấp vào mùa để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà chúng ta còn phải đảm bảo 8 tháng tiếp theo để bổ sung nguồn nước này phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội… của các tỉnh thượng nguồn. Nếu làm được cái này thì mới giải quyết được.

Trong tương lai, nếu Hà Nội không còn nguồn nước thải nữa thì đến mùa khô, lượng nước ít, không có dòng chảy thì bản thân nó cũng sẽ ô nhiễm. Còn việc chúng ta đã làm được là quan trắc để khi có vấn đề ô nhiễm thì lúc đó mới điều tiết, bổ sung bơm, bơm thì mất tiền. Bộ đã báo cáo Chính phủ cần phải điều tiết lại, thay đổi quy định điều tiết. Thứ hai là cần phải có chi phí tài chính để đầu tư và duy trì trạm bơm. Đây là bài toán Bộ sẽ tiếp cận để xử lý cho mọi nguồn nước ở các khu vực khác chứ không riêng gì sông Nhuệ, sông Đáy...

Là đơn vị thực hiện nhiều cuộc kiểm toán về hoạt động quản lý, xử lý nước thải, chất thải tại các khu công nghiệp, ông Lê Doãn Hoài, Trưởng phòng Kiểm toán môi trường, KTNN chuyên ngành III, cho rằng, bên cạnh việc sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và có biện pháp xử phạt nghiêm để tạo sự răn đe nhằm ngăn chặn các vi phạm về bảo vệ môi trường trong tương lai.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ dữ liệu, khai thác hệ thống trang thiết bị và các nguồn lực quản lý môi trường tại các địa phương, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các doanh nghiệp và các khu công nghiệp một cách hiệu quả nhất nhằm thực hiện kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm nguồn nước, vì sao vẫn đang là vấn nạn hiện nay?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.